Làm thi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Bộ trưởng, công tác làm thi hàng năm, đều cố gắng làm chi tiết, cẩn thận, công khai minh bạch, tuy nhiên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

"Làm thi không phải việc mới nhưng vẫn có sai sót, do đó không được chủ quan. Năm nay, chúng ta phải phát huy cao trách nhiệm, phải có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, đúng người, đúng việc. Mỗi cá nhân phải nắm rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.

Bộ trưởng đặc biệt chú trọng tới khâu thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện nếu có sai phạm xảy ra. 

"Thanh tra, kiểm tra đúng quy trình, từng bước, bám sát quy chế, quy trình thanh tra. Trong một tháng trước khi kỳ thi diễn ra phải dành thêm thời gian cho việc tập huấn và thanh tra, kiểm tra việc phân công, phân nhiệm của các địa phương" - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Đồng thời chỉ đạo, cán bộ tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi nâng cao trách nhiệm, chủ động phát hiện các dấu hiệu tội phạm sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi cũng là tinh thần mà nhiều đại biểu tham dự nhấn mạnh tại hội nghị.  

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị, Bộ GD&ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi; giám sát chặt chẽ chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi...

Nhiều trường ĐH "kêu" khó huy động giảng viên coi thi

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên các trường ĐH, học viện, và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên đến các Hội đồng thi tỉnh, TP để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. 

Do thời điểm tổ chức thi THPT Quốc gia vào cuối tháng 6, đang trong giai đoạn thi học kỳ, nên nhiều trường ĐH kêu khó huy động đủ số lượng giảng viên tham gia coi thi như yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp chia sẻ: Nhà trường tham gia 16 điểm thi với 437 cán bộ tham gia coi thi, 37 cán bộ giám sát. Hiện, nhà trường đã rà soát, số giảng viên không đủ đáp ứng so với con số huy động của Bộ, trường chỉ đáp ứng được khoảng 300 cán bộ coi thi.

Tương tự, Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, không đủ số giáo viên như kế hoạch mà Bộ GD&ĐT huy động vì đây là thời gian làm tốt nghiệp ở trường.

ĐH Nội vụ Hà Nội cũng chung tình trạng, số giảng viên ở phân hiệu Hà Nội không đủ đáp ứng kế hoạch, chỉ có khoảng 120 cán bộ có thể tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị huy động số người tham gia phối hợp kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Nội đông nhất. Đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sẽ cố gắng đảm bảo số giảng viên theo yêu cầu. Tuy nhiên muốn giảm số cán bộ thanh tra do trường phải tham gia cả đoàn thanh tra theo Bộ. 

Trường cũng mong muốn sớm có thông tin danh sách điểm thi do trường phụ trách để chủ động chuẩn bị công tác hậu cần.

So với cả nước, Hà Nội là địa phương có đông thí sinh dự thi nhất, với gần 75.000 thí sinh, dự thi ở 125 điểm, gồm 3.120 phòng thi. 

Có 13 học viện, trường ĐH phối hợp tham gia kỳ thi tại Hà Nội

Trước khó khăn của các trường, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, xác định đây là kỳ thi 2 chung nên cần cả trách nhiệm của các trường ĐH và của Sở. Việc điều động giảng viên ĐH tăng lên, các trường không đáp ứng cần báo cáo lại về Bộ GD&ĐT để có phương án xử lý kịp thời.

TTH