Hội nghị thu hút 150 đại biểu tham dự, gồm lãnh đạo và chuyên viên đến từ các vụ, cục đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức về yêu cầu đặc biệt quan trọng của công tác PCTN, công tác thanh, kiểm tra; tiếp công dân, xử lý đơn thư; giải quyết KN, TC trong quản lý Nhà nước của các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ.

Giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức nắm được yêu cầu, nhiệm vụ mới về công tác PCTN gắn với lĩnh vực GD&ĐT và trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, của thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; nội dung cơ bản của Luật PCTN năm 2018, nội dung Chỉ thị số 10/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, trang bị kiến thức, tăng cường kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN, TC, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ GD&ĐT.

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh, công tác PCTN, công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư; giải quyết KN, TC có vai trò quan trọng trong đổi mới quản lý giáo dục, nhất là trong thời điểm triển khai Luật PCTN năm 2019, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2019 và đẩy mạnh thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục.

Với vị trí quan trọng như vậy, năm 2019 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có Công văn 4053 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra năm học 2019-2020 đối với cơ sở giáo dục đại học, trường sư phạm. Đây cũng là năm giữa giai đoạn triển khai thực hiện Quyết định số 4405/QĐ-BGDĐT ngày 18/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đến năm 2020”.

Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, ông Nguyễn Đức Cường cho biết, ở các đơn vị, nhà trường đã triển khai đạt những kết quả nhất định. Nhiều nhiệm vụ được triển khai đồng bộ từ Bộ GD&ĐT, các đơn vị thuộc Bộ đến các nhà trường.

Đặc biệt, công tác thanh tra nội bộ, xử lý đơn thư, tiếp công dân, giải quyết KN, TC ngày càng chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, một số vụ việc phức tạp đã được giải quyết và tháo gỡ từ cơ sở.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: HH

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn những hạn chế về tổ chức hoạt động, công tác cán bộ, cũng như xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, công tác báo cáo kết quả, đánh giá, kiến nghị...

Công tác PCTN chưa trở thành vấn đề “nóng” trong nhận thức và hành động của các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các cấp và mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực hiện và kết quả đạt được còn khiêm tốn so với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Số lượng đơn thư gửi về Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục tăng, nhiều đơn KN, TC đích danh Hiệu trưởng, Hiệu phó, người đứng đầu các đơn vị với nhiều nội dung khác nhau. Trong khi đó, việc giải quyết, xử lý đơn thư tại nhiều đơn vị chưa kịp thời, còn kéo dài... tiềm ẩn những phức tạp trong công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ…

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, tại Hội nghị này, các đại biểu tham dự đã được nghe các báo cáo chuyên đề theo hướng cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn.

Từng chuyên đề dưới sự hướng dẫn của các báo cáo viên, các đại biểu cũng được tham gia trao đổi, thảo luận nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu trong từng mặt công tác đã triển khai, thực hiện tại đơn vị.

"Sau Hội nghị này tôi hi vọng, các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị, các đồng chí là người trực tiếp giúp thủ trưởng đơn vị tham mưu về công tác này sẽ nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ của mình trong cơ quan, đơn vị, nhà trường; có được những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong xử lý, giải quyết những vụ việc cụ thể theo thẩm quyền" - ông Nguyễn Đức Cường bày tỏ.

Hội nghị diễn ra 1 ngày, các báo cáo viên với tinh thần, trách nhiệm, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn đã giúp các đại biểu hiểu, nắm chắc yêu cầu nhiệm vụ của từng công tác để vận dụng xử lý tốt các vụ việc xẩy ra tại đơn vị mình đảm bảo đúng quy định, trình tự, thủ tục và góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết, xử lý vấn đề từ cơ sở.

Hải Hà