Tại tọa đàm, TS Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp Nhà nước đã thể hiện được vai trò quan trọng, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư hiện có. Nhiều vụ việc tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây đã cho thấy điều này.

Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh, cơ chế thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay khá phức tạp, thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. 

Xuất phát từ thực tế trên, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ kèm theo Nghị quyết số 97/NQ/CP ngày 2/10/2017 và giao nhiệm vụ cho Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án: “Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiệm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước”. 

Do đó, Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức tọa đàm nhằm khảo sát trực tiếp tại địa phương.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các sở, ngành liên quan tập trung thảo luận, cho ý kiến xoay quanh 5 vấn đề chính gồm: Nguy cơ, thực trạng vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp Nhà nước tại địa phương; thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm toán, giám sát trong doanh nghiệp Nhà nước; thực trạng phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp Nhà nước; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp Nhà nước và đề xuất các giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát trong doanh nghiệp Nhà nước.

Các đại biểu cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát doanh nghiệp Nhà nước còn tồn tại những bất cập như: Hiện, có quá nhiều cơ quan Nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát doanh nghiệp Nhà nước lại chưa cao, dẫn đến còn xảy ra vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý kinh tế, có vụ việc gây thất thoát giá trị tài sản rất lớn tại các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, khiến dư luận bức xúc thời gian qua.

Công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều chồng chéo, thậm chí có đơn vị vi phạm về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; việc quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện nay chưa có nhiều các văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý, giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước; công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ thực hiện chưa tốt dẫn đến một số doanh nghiệp Nhà nước vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây thất thoát tài sản Nhà nước phải xử lý.

Các quy định pháp luật hiện nay không phân định rõ trách nhiệm quản lý của bộ, ngành, không tách bạch một cách rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước; nhiều bộ quản lý Nhà nước thực hiện một số quyền của chủ sở hữu Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế Nhà nước dẫn đến nhiều đầu mối chồng chéo, khó xác định được trách nhiệm và hậu quả giám sát chưa cao; việc giao cho cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp tiến hành đánh giá tình hình tài chính, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả và hoạt động của doanh nghiệp là chưa khách quan dẫn đến tình trạng hiệu quả đánh giá, giám sát chưa cao.

Theo ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác phối hợp, thống nhất trong việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh; bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, phát huy vai trò của các bên liên quan trong việc kiểm soát nội bộ nhằm ngăn ngừa vi phạm trong hoạt động của các doanh nghiệp; quyết liệt xử lý nghiêm những vi phạm; và nâng cao vai trò cấp ủy, người đứng đầu trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, TS Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ghi nhận và tiếp thu ý kiến tham luận của đại diện các sở, ngành địa phương và cho rằng kết quả khảo sát tại tỉnh Vĩnh Phúc sẽ là một trong những cơ sở thực tiễn giúp Tổ Biên tập hoàn thiện đề án trong thời gian tới.

Thái Hải