Thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, tại một số BHXH tỉnh, TP, tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp vẫn diễn ra, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ phức tạp như Hà Nội, Nam Định, Kon Tum, Hải Dương, Bến Tre…

Nội dung công dân khiếu nại, tố cáo chủ yếu về việc truy đóng BHXH, cộng nối thời gian công tác hưởng chế độ BHXH; khai man, làm giả hồ sơ tham gia BHXH; việc chi trả BHXH hằng tháng đối với người cấp hành án phạt tù; việc cấp mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); quyền lợi chế độ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT...

Nguyên nhân là do một số bất cập, vướng mắc trong quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT. Công tác quản lý, thực hiện nghiệp vụ của BHXH tỉnh chưa chặt chẽ, không tuân thủ đúng quy định, quy trình giải quyết nghiệp vụ chưa bảo đảm căn cứ pháp lý, hồ sơ, thủ tục.

Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của người lao động, người khiếu nại, tố cáo còn chưa đầy đủ hoặc hiểu chưa đúng về chính sách, chế độ, quyền lợi, thẩm quyền giải quyết.

Tăng cường gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân

Để khắc phục ngay những hạn chế, sau sót trên, cũng như tiếp tục triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... BHXH Việt Nam vừa yêu cầu giám đốc BHXH các tỉnh, TP nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác này.

“BHXH các tỉnh, TP phải nghiêm túc tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyên vọng của dân; xử lý, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của dân từ khi mới phát sinh ngay tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp”, BHXH Việt Nam yêu cầu.

BHXH tỉnh, TP cũng phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý ngay những tồn tại hạn chế, sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân; có thái độ cầu thị, kịp thời sửa sai và xin lỗi người dân, không bao che, dung túng các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà hoặc làm sai quy định của công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thuộc đơn vị mình.

Thường xuyên chấn chỉnh, rà soát, kiểm tra thực hiện các quy trình nghiệp vụ đối với những trường hợp cấp sổ BHXH có thời gian truy thu đóng BHXH, BHTN, BHYT; xác định các trường hợp truy thu không đúng đối tượng hoặc hồ sơ chưa đúng, đủ theo quy định; cộng nối thời gian công tác trước năm 1995 làm căn cứ ghi nhận thời gian tham gia BHXH không đảm bảo thủ tục, hồ sơ, để có biện pháp xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật về BHXH và hướng dẫn của BHXH Việt Nam; giải thích chính sách pháp luật cho đơn vị và cá nhân vi phạm hiểu rõ và tự giác chấp hành theo quy định.

Không áp đặt, giải quyết theo ý chí chủ quan

Đối với những vấn đề còn vướng mắc về chính sách, liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị mà chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, TP phải phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương, tham mưu đề xuất phương án giải quyết để UBND tỉnh, TP xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, tuyệt đối không áp đặt, giải quyết theo ý chí chủ quan, gây tâm lý bức xúc cho người dân.

Trường hợp có vướng mắc phải kịp thời báo cáo các vụ, ban nghiệp vụ (theo từng lĩnh vực chuyên môn, quản lý) của BHXH Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn, không để vụ việc diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến an ninh, chính trị tại địa phương và uy tín của ngành.

Với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phải chủ động rà soát, tổng hợp những bất cập trong quy định của pháp luật về thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để kịp thời tham mưu, đề xuất với Tổng Giám đốc chỉ đạo, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền liên quan, thống nhất thực hiện.

Thủ trưởng các đơn vị cũng phải kịp thời trả lời, hướng dẫn BHXH tỉnh về những nội dung còn vướng mắc. Đối với những vụ việc phức tạp, còn có ý kiến khác nhau thì đơn vị được giao chủ trì cần tổ chức họp với các đơn vị có liên quan để tìm phương án giải quyết. Trường hợp vụ việc chưa có ý kiến thống nhất chung trong áp dụng pháp luật phải đề xuất với lãnh đạo ngành phụ trách lĩnh vực cho ý kiến giải quyết hoặc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, không để vụ việc tồn đọng, kéo dài gây khó khăn cho địa phương và bức xúc cho người dân; 

Còn các vụ việc có vướng mắc về chính sách, BHXH Việt Nam đã có công văn xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, nhưng quá thời hạn mà chưa có ý kiến trả lời thì thủ trưởng các đơn vị trực thuộc phải chủ động đề xuất, liên hệ, bố trí thời gian để lãnh đạo ngành phụ trách lĩnh vực trực tiếp làm việc với lãnh đạo bộ, ngành có liên quan để được giải quyết…

Trần Kiên