1. Thanh tra phát hiện, xử lý vi phạm đạt kết quả cao nhất trong nhiều năm qua

Trong năm 2019, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.585 cuộc thanh tra hành chính và 252.499 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 

Qua thanh tra phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng (trong đó thanh tra hành chính 40.829 tỷ đồng; thanh tra chuyên ngành 41.006 tỷ đồng) và trên 819ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 71.601 tỷ đồng, 18.904ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể và cá nhân; ban hành 107.579 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 10.232 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 102 vụ, 181 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực…

2. Nhiều vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm được Thanh tra Chính phủ kết luận, kiến nghị các biện pháp xử lý nghiêm minh, mang lại niềm tin cho nhân dân

Nổi bật trong đó là Kết luận thanh tra toàn diện dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh; kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà; Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ Km1125 đến Km1265 tỉnh Bình Định - Phú Yên…

Các kết luận thanh tra được ban hành đảm bảo được tính chính xác, khách quan, căn cứ theo quy định pháp luật, nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ dư luận.

Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên đội vốn lên 8.100 tỷ đồng. Ảnh: PV

 

7 dự án trên bán đảo Sơn Trà vi phạm về an ninh quốc phòng. Ảnh: PV

 

Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Xác định giá đất không đúng, nhà đầu tư hưởng lợi lớn. Ảnh: PV

 

3. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ vụ việc giải quyết theo thẩm quyền đạt cao nhất trong nhiều năm qua. Đẩy mạnh thực hiện “Năm dân vận chính quyền” góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tiếp hơn 20.000 lượt công dân đến trình bày gần 4.000 vụ việc; tổ chức cho 148 luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân, tuyên truyền công dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Các bộ, ngành tiếp gần 58.000 lượt; địa phương tiếp hơn 400.000 lượt. Ngành Thanh tra giúp các cơ quan hành chính tiếp nhận, phân loại hơn 300.000 đơn thư, trong đó có khoảng 198.000 đơn đủ điều kiện xử lý; tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết gần 28.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 86,2%.

4. Ban hành triển khai kế hoạch tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài

Trong đó bao gồm: Kế hoạch 363/KH-TTCP, Kế hoạch 923/KH-TDTW, Kế hoạch số 1248/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội  Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, không để phát sinh "điểm nóng". Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Trung ương và địa phương trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, kịp thời xử lý các tình huống đối với các đoàn công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, bức xúc, kéo dài.

5. Tổ chức thành công Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thành công của hội nghị không chỉ thể hiện ở việc các nước cùng trao đổi, thảo luận, thống nhất các giải pháp, chương trình hành động phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, cơ sở hạ tầng, mà còn là cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ giữa các quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ và các đối tác phát triển quan trọng.

Tất cả các sự kiện của Hội nghị, bao gồm cuộc họp về Thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, cuộc họp Mạng lưới Liêm chính công lần thứ ba, cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến lần thứ 23, Phiên họp cấp cao của Hội nghị đều đã thành công tốt đẹp.

Đặc biệt, kết quả của hai cuộc họp và phiên thảo luận cấp cao đã giúp xác định rõ nét hơn định hướng hành động trong giai đoạn tiếp theo về phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực. 

6. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng (kê khai tài sản, thu nhập, ban hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn, cải cách hành chính); phát hiện 112 vụ việc tham nhũng. Tuyên truyền triển khai mạnh mẽ Luật Phòng, chống tham nhũng

Ảnh: PV

 

Việc kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện nghiêm túc, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai. Việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng, có sáu cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng; phát hiện, xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỷ đồng.

PV