Riêng ngành Thanh tra cũng không không tránh khỏi những trở lực ban đầu. Đó là lực lượng cán bộ ở các vụ thanh tra còn rất thiếu, hệ thống thanh tra ở tất cả các địa phương vẫn chưa được kiện toàn. Tuy vậy, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã hoàn thành một khối lượng lớn các cuộc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của Đảng và Chính phủ; ngành Thanh tra đã bước đầu chủ động xây dựng chương trình hoạt động và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Vào thời gian này, phần lớn các cuộc thanh tra trước hết đều tập trung vào những vấn đề kinh tế, đời sống như thanh tra việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Đảng, Nhà nước về chống tham ô, móc ngoặc, chống quan liêu, cửa quyền gây phiền hà cho dân, về tăng cường và cải tiến quản lý, về mở rộng quy mô và đưa hợp tác xã nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, ngành Thanh tra còn tiến hành nhiều cuộc thanh tra về chấp hành chế độ quản lý, về thực hiện kế hoạch Nhà nước trong công tác thuỷ nông, phòng, chống lụt bão, quản lý và phân phối vật liệu xây dựng, quản lý và phân phối vật tư, hàng hoá... Đi kèm theo đó là các cuộc thanh tra về các vấn đề chính trị, xã hội như thanh tra việc thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, việc tuyển sinh vào đại học và trung học chuyên nghiệp, vấn đề liên quan đến chính sách tự do tín ngưỡng, vấn đề phân phối nhà ở các thành thị.

Đặc biệt, trong những năm 1975 - 1978, vấn đề nông nghiệp trở thành vấn đề cấp thiết và nóng bỏng ở nước ta. Do vậy, trọng tâm các cuộc thanh tra được tập trung vào lĩnh vực này.

Từ giữa năm 1975, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ tiến hành cuộc thanh tra toàn diện về công trình đê Đáy - một trong những công trình trọng điểm của Nhà nước, có một vị trí cực kỳ quan trọng đối với châu thổ sông Hồng. Đây là cuộc thanh tra vừa có nội dung về chấp hành chế độ tài chính, chất lượng xây dựng cơ bản, vừa có nội dung về kế hoạch xây dựng nhằm đảm bảo đưa công trình vào phục vụ sản xuất đúng thời hạn. Qua thanh tra đã phát hiện và đề xuất kịp thời, thiết thực với chính quyền địa phương và ngành Thủy lợi về tình hình huy động, tổ chức quản lý lực lượng lao động trên công trường, về những biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Những kết luận và kiến nghị của đoàn thanh tra đã được bộ chủ quản và các địa phương hoan nghênh và đánh giá cao.

Tiếp đó là triển khai thanh tra việc phân phối nhà ở tại Hà Nội. Đây là cuộc thanh tra đầu tiên về vấn đề nhà ở tại Hà Nội, có tác động lớn đến việc bảo đảm thực hiện nghiêm túc những quy định về quản lý.

Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, để góp phần bảo đảm hoàn thành kế hoạch của Nhà nước, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc các địa phương thực hiện nhiệm vụ giao nộp gạch, ngói, cho Trung ương. Cuộc thanh tra cho thấy phần lớn các cơ sở sản xuất gạch, ngói ở nhiều nơi đã cũ nát, tình trạng giữ sản phẩm lại để phân phối nội bộ diễn ra phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch xây dựng cơ bản của Nhà nước.

Nhờ kết hợp nghiệp vụ thanh tra với việc tăng cường chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ từng ngành, đến đầu những năm 1980, các hiện tượng tiêu cực trong các lĩnh vực giao thông vận tải, lương thực, nội thương, ngoại thương đã bước đầu được hạn chế. Nhiều vụ việc tiêu cực kéo dài với những tình tiết phức tạp đã được phát hiện, kết luận và giải quyết dứt điểm. Điển hình như vụ tham ô có tổ chức tại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu khoáng sản Bộ Ngoại thương (2/1981).

Có thể nói, công tác thanh tra trong giai đoạn này, nhất là trong lĩnh vực cải tạo xã hội chủ nghĩa, không những chỉ nhằm phát hiện những sai phạm, tiêu cực để xử lý, mà còn góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nhiều chủ trương chính sách liên quan cho phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tiễn của đất nước.

Trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã kết hợp với một số ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện các chính sách, chế độ, công tác quản lý tại các ngành hữu quan. Các cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đã phát hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, tham ô, ăn cắp, hối lộ, ức hiếp, gây phiền hà cho nhân dân, tình hình tiêu cực trong ngành Y tế có nhiều diễn biến khác nhau, có những nét riêng biệt của ngành và có nhiều sự việc nghiêm trọng.

Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra có trọng điểm đối với công tác tuyển sinh, đào tạo và đã phát hiện nhiều hiện tượng tiêu cực như đánh tráo bài thi, mạo chữ ký giám thị, chữa điểm bài thi...; nhiều trường không phân phối được sinh viên tốt nghiệp...

Không chỉ tiến hành những cuộc thanh tra thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành, lấy chống tiêu cực làm trọng tâm, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ còn tham gia trực tiếp nhiều cuộc thanh tra đột xuất những vụ việc quan trọng theo yêu cầu của Chính phủ.

Nhìn chung, các cuộc thanh tra, kiểm tra mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần phục vụ kịp thời cho sự chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp và thủ trưởng các ngành trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, thúc đẩy việc hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ví dụ trong sản xuất nông nghiệp, Ủy ban Thanh tra ở hầu hết các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm về lương thực đã đề xuất được những giải pháp cơ bản nhằm giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trong sản xuất như giống, sức kéo, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, điện chống úng, chống hạn...

Từ công tác thanh tra, cán bộ các cấp, ngành đã rút được những kinh nghiệm quý báu như: Phải tích cực, chủ động, nhạy bén bám sát các khâu then chốt, tổ chức kiểm tra điểm, kết hợp với chỉ đạo thanh tra huyện và thanh tra nhân dân kiểm tra theo diện rộng... kịp thời kiến nghị với UBND cách xử lý các hiện tượng tiêu cực, sai sót...

Với những nỗ lực cao độ, ngành Thanh tra đã đưa ra được những kết luận và kiến nghị có căn cứ và kịp thời, được Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ báo cáo trực tiếp lên Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ. Nhiều cuộc thanh tra đã thực sự được dư luận nhân dân chú ý và đồng tình, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao.

Những hoạt động mang tính chủ động và đầy trách nhiệm của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã chứng tỏ vai trò quan trọng của ngành Thanh tra trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Mặt khác, việc được giao trọng trách thường trực một trong những Ban quan trọng của Đảng lúc đó cho thấy ngành Thanh tra đã thực sự được Đảng và Nhà nước coi trọng, tin tưởng.

Kỳ V: Sau kháng chiến đẩy mạnh công tác tiếp dân và giải quyết KN,TC

Phương Hiếu (Ghi)