Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng Dự thảo Thông tư sửa đổi rất đầy đủ, bổ sung, sửa đổi nhiều vấn đề, cập nhật nhiều nội dung, điều khoản mới (hoạt động giám sát đoàn thanh tra…); các từ ngữ đã cụ thể hơn.

 Tuy nhiên, các đại biểu đã cũng có thêm nhiều ý kiến về tên Thông tư, tên Chương; nội dung các Điều 4, 6, 10, 20, 25, 26, 28, 32...

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho rằng, về tên của Thông tư sẽ điều chỉnh từ "Quy định về tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra" thành "Thông tư quy định về việc hoạt động thanh tra". 

Đối với các nội dung tại Điểm a, Khoản 1, Điều 10, việc cử công chức làm Trưởng đoàn thanh tra, đối với Đoàn thanh tra do Tổng TTCP, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập thì phải là thanh tra viên chứ không có tương đương, trừ trường hợp là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, hoặc cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện. 

Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Cục trưởng Cục II, một số nội dung khó hiểu, máy móc như ở Điều 6 yêu cầu “trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra in, ký và nộp nhật ký thanh tra để làm căn cứ lập hồ sơ thanh tra; đối với nhật ký thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra thì nộp cho Trưởng đoàn thanh tra để kiểm tra và ký xác nhận”. Việc các thành viên đoàn thanh tra cũng phải ghi nhật ký, trên thực tế là không thực sự cần thiết, hàng ngày, hàng tuần, các thành viên đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ do trưởng đoàn phân công và báo cáo trực tiếp cho Trưởng đoàn. 

Ở Điều 20, trang 10 về công bố Quyết định thanh tra, một số đại biểu phân vân, Trưởng đoàn thanh tra chủ trì buổi công bố Quyết định, trong khi đó, thành phần tham dự buổi công bố có đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì thanh tra thì có hợp lý không? 

Về nội dung này, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh kết luận, Trưởng Đoàn thanh tra vẫn chủ trì buổi công bố Quyết định thanh tra và Kết luận thanh tra, trừ trường hợp, với những cuộc thanh tra quan trọng thì người ra Quyết định thanh tra hoặc đại diện cơ quan do người ra Quyết định thanh tra phân công chủ trì. 

Một số đại biểu thì cho rằng, về nội dung gia hạn thời gian thanh tra trong Điều 26 còn dài dòng, Trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra thấy cần thiết thì mới ra hạn bằng văn bản. Trưởng đoàn thông báo cho đối tượng thanh tra được biết. Nếu việc ra hạn do Trưởng đoàn đề xuất thì phải có văn bản nêu rõ lý do, thời gian gia hạn. 

Điều 28 về chế độ hội họp, nội dung các cuộc họp phải ghi biên bản còn cứng nhắc. 

Trên thực tế, Đoàn thanh tra họp rất nhiều, tuần nào cũng họp. Vì vậy chỉ cần họp đoàn thanh tra trước, trong, sau và trong khi xét thấy cần thiết thì Trưởng đoàn thanh tra tổ chức cuộc họp, Trưởng đoàn chủ trì, các cuộc họp cần ghi biên bản để báo cáo lãnh đạo.

Thái Hải