Kết luận cho thấy, có nhiều D.A thủy điện đã hoàn thành và dự kiến sẽ thực hiện phát điện vào quý III, IV năm nay, hòa lưới điện vào hệ thống điện quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện đáng kể tình trạng thiếu hụt công suất điện vào giờ cao điểm trong thời điểm hiện nay.

Điển hình, D.A Nhà máy Thuỷ điện Bản Chát, dự kiến đến tháng 8 năm nay, tổ máy số 1 sẽ phát điện, tháng 11 tổ máy số 2 sẽ phát điện được xây dựng trên sông nhánh Nậm Mu của hệ thống sông Đà (thuộc địa phận huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). Công trình hoàn thành sẽ cung cấp lượng điện trung bình hằng năm hơn 1 tỷ kWh. Bên cạnh đó, do nằm trên một nhánh của sông Đà nên công trình này còn có thể tăng thêm công suất cho Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình khoảng 388,4 x 106 kWh... D.A đưa vào sử dụng không chỉ góp phần quan trọng cung cấp điện năng cho quốc gia mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

D.A Thủy điện Nậm Mở 3, thuộc địa bàn xã Khoen On, huyện Than Uyên do Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mở làm chủ đầu tư đã chính thức phát điện thương phẩm từ ngày 15/6/2012. Sau khi D.A hoàn thành, hàng năm sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia 37,6 triệu KWh. Doanh thu đạt khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm, nộp thuế ngân sách cho tỉnh gần 2 tỷ đồng…

Tuy nhiên, hàng trăm ha đất thuộc các D.A thủy điện đã được giao, cho thuê đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Nhiều D.A xây dựng chậm tiến độ, nhưng cơ quan chức năng vẫn không có hướng xử lý, trong khi người dân mất đất, không có nơi canh tác…Cụ thể: Hơn 134,6ha thuộc D.A Thủy điện Nậm Na 1 được UBND tỉnh Lai Châu cho thuê từ ngày 22/7/2008, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đưa vào sử dụng; D.A Thủy điện Chu Va sử dụng hơn 1.000m2 đất ngoài ranh giới được giao; D.A Thủy điện Bản Chát mới sử dụng 242,09/6.236,66ha đất được giao…

Bên cạnh đó, nhiều D.A có báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa mô tả rõ tiến độ xây dựng, chưa đề cập đầy đủ các sự cố về môi trường, các giải pháp về quản lý chất thải nguy hại. Hầu hết các chủ đầu tư D.A thủy điện không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và quản lý chất thải nguy hại theo quy định. Hệ thống quan trắc theo dõi mặt nước ở các sông, hồ theo ngành còn thiếu, đặc biệt là hệ thống theo dõi cảnh báo vùng hạ lưu khi bão lũ, khi xả lũ còn thiếu.

Chưa kể, nhiều D.A mặc dù không có nhu cầu sử dụng đất hoặc đã hết thời hạn thuê đất nhưng chủ đầu tư không lập hồ sơ đất đai trình cấp có thẩm quyền thu hồi đất hay gia hạn thời gian thuê đất theo quy định. Ví dụ như D.A Thủy điện Nậm Mở 3 có hàng chục ha đất sử dụng vào mục đích khu phụ trợ, đường lên bể tháp điều áp, cửa hầm phụ, bãi thải đã hết hạn sử dụng từ 1/2010 nhưng đơn vị này không lập hồ sở đất đai trình cấp có thẩm quyền xin gia hạn lại.

Trong công tác bảo vệ môi trường, nhiều D.A thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; không thu gom và lưu giữ chất thải nguy hại đúng quy định; đổ chất thải không đúng quy trình làm đất đá sạt lở xuống sông. Hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ việc giám sát chất lượng môi trường, chất lượng không khí xung quanh theo quy định; không bố trí bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, đổ chất thải không đúng quy trình gây sạt lở; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; chất thải phát sinh cũng không được thu gom và lưu giữ đúng quy định…

Công tác quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được phê duyệt với tổng số 53 D.A, tổng số công suất 2.504,7MW. Trong đó, 3 D.A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng công suất 1.940MW; 12 D.A do Bộ Công thương phê duyệt với tổng công suất 236,5MW; 38 D.A còn lại do UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt với tổng công suất 328,2MW.

Đến nay, có 23 D.A thủy điện được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 15.997,88ha; trong đó giao đất không thu tiền với diện tích 14.726,57ha, cho thuê đất với diện tích 1.271,31ha.

Giang - Dung