Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thu hồi đất… trước nguy cơ “viết lộn” và đánh lận

Thứ hai, 23/05/2011 - 13:15

(Thanh tra) - Do vị trí Dự án xây dựng nhà máy XLNT diện tích 11 ha, chưa có trong quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2.000) Khu đô thị nhà vườn Thanh Thủy phường An Phú Đông, nên UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND quận 12 và các bên liên quan “điều chỉnh cục bộ” quy hoạch vừa nêu. Theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định 08 của Thủ tướng Chính phủ: “Khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, người có thẩm quyền phê duyệt phải lấy ý kiến của nhân dân trong khu vực liên quan đến quy hoạch điều chỉnh”. Tuy nhiên, trong khi quy định vừa nêu chưa được thực hiện, thì trước đó UBND TP đã có văn bản 5113/UBND-ĐTMT ngày 02/10/2009 về “chấp thuận địa điểm” đầu tư xây dựng nhà máy tại quy hoạch Khu đô thị nhà vườn Thanh Thủy… (tiếp theo số báo 19 ra ngày 15/5/2011)

Một căn nhà trong quy hoạch Khu biệt thự vườn trước nguy cơ giải tỏa

Một năm sau, theo chỉ đạo của UBND quận 12, UBND phường An Phú Đông mới “tổ chức lấy ý kiến” của dân (từ ngày 16/10 đến ngày 26/10/2010). Quá trình lấy ý kiến đã có đến hơn 2/3 số hộ phản ứng, trong đó riêng ngày 23/6/2010 UBND phường An Phú Đông đã tiếp nhận phiếu ý kiến của tập thể 75 hộ “không đồng ý điều chỉnh” quy hoạch. Đa số ý kiến cho rằng, phê duyệt tổng thể của Thủ tướng có Trạm XLNT trên phường An Phú Đông, nhưng không có quy định “phải đặt” vào tổ 26, 27 và 29 khu phố 2, nơi dân cư đã có “sổ đỏ đất ở lâu dài” và nay đã quy hoạch Khu đô thị nhà vườn Thanh Thủy. Cũng có ý kiến cho rằng “nếu lấy bằng được” thì dân phải được bồi thường bao gồm nhà và đất “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” theo đúng quy định của pháp luật. Trước khiếu nại của trên 200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, ngày 29/3/2011 UBND quận 12 đã có văn bản trả lời: Các kiến nghị xung quanh điều chỉnh cục bộ, và quy mô vị trí Nhà máy XLNT là “vượt thẩm quyền” của quận, khi nào UBND TP có “Công văn” thì quận (lại) sẽ có văn bản trả lời.

Tuy nhiên, trong khi UBND các cấp chưa trả lời giải quyết khiếu nại thỏa đáng, thì Ban bồi thường GPMB đã “nhanh chóng đưa lực lượng” kiểm kê đo đạc tài sản của hàng trăm hộ gia đình. Tiếp tục “kiểu lấy ý kiến” như điều chỉnh cục bộ đã nêu, trong khi ngày 20/9/2010 UBND quận 12 mới ra thông báo lấy ý kiến của nhân dân về phương án bồi thường hỗ trợ giải tỏa đất, thì trước đó UBND TP “lại đã có” văn bản 1151/UBND - ĐTMT ngày 18/3/2010 về “chấp thuận đơn giá” đất ở để tính bồi thường Dự án Nhà máy XLNT Tham Lương - Bến Cát. Về văn bản 1151 vừa nêu, bà Nguyễn Thị Hoài Phương tại 648/5C đường Vườn Lài, khu phố 2 phường An Phú Đông cho biết, mới đầu Ban bồi thường và UBND quận 12 trình UBND TP “xác định” khu vực bị thu hồi, là đoạn từ cầu Rạch Gia “đi ngược” lên cầu Bến Cát, nhưng thực tế dự án giải tỏa là đoạn từ cầu Bến Cát “xuôi về” bến phà An Phú Đông. Cũng theo bà Phương, “tin vào tờ trình của quận” UBND TP đã “nguyên xi địa bàn” chấp thuận, đến cuộc họp lấy ý kiến “người dân ồ lên” phản ứng, thì đại diện Ban bồi thường nói “tại viết lộn” (!?). Bức xúc trước sự việc, ông Nguyễn Văn Lõa trên địa bàn bị giải tỏa cho rằng “quyền lợi đất đai tài sản” của hàng trăm hộ dân, ảnh hưởng đời sống cả hàng ngàn con người, sao chính quyền “đơn giản” và coi nhẹ. 

Theo văn bản 5113/UBND-ĐTMT về “chấp thuận địa điểm đầu tư” ngày 2/10/2009 của UBND TP, đến ngày 02/10/2010 nếu khu đất dự án chưa có quyết định (thu hồi tổng thể) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì văn bản này “sẽ hết hiệu lực” thực hiện. Nhưng ngày 27/10/2010 UBND TP đã có “văn bản gia hạn văn bản” vừa nêu đến ngày 02/10/2011, tuy nhiên hiện người dân vẫn thắc mắc “sao quyết định thu hồi đất của tôi” chỉ dựa trên công văn. Đến nay mới có 3 hộ dân đã nhận tiền bồi thường giải tỏa, còn lại khi được hỏi đều trả lời “dân tôi” khiếu nại cả quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường. Tại các “bảng chiết tính giá trị” bồi thường, đều căn cứ Quyết định 3096/QĐ-BVG ngày 07/4/2010 của Sở Tài chính, và Quyết định 556/QĐ-UBND ngày 13/12/2010 của UBND quận 12 phê duyệt Phương án bồi thường 2987/PA-BTCT ngày 10/12/2010, tuy nhiên những quyết định và phương án này “đều có vấn đề” về giá trị pháp lý. Ngoài vấn đề “phải chăng dự án nằm trên địa bàn đã quy hoạch Khu dân cư đô thị” nên không thấy quy định về giá đất nông nghiệp (!?), Quyết định 3096 có quy định giá đất ở tính bồi thường “thực hiện theo văn bản 1151”, nhưng văn bản “tại ghi lộn” này đã được điều chỉnh bằng văn bản 5820/UBND - ĐTMT ngày 16/11/2010 của UBND TP, thì Phương án bồi thường 2987 kèm theo Quyết định 556 rất có thể “vừa tính sai vừa chưa đúng” với quy định của pháp luật. 

Theo phương án bồi thường vừa nêu, “giá bồi thường đất ở” từ cầu Rạch Gia đến bến phà An Phú Đông, nơi cao nhất (mặt tiền đường Vườn Lài) là hơn 9 triệu đồng/m2, và nơi thấp nhất (hẻm rộng dưới 3 mét) là gần 3,7 triệu đồng/m2. Cũng theo phướng án vừa nêu, “giá đất nông nghiệp” trong đó đất trồng cây hàng năm là 200.000 đồng/m2, và đất trồng cây lâu năm là 250.000 đồng/m2. Tham khảo 2 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (có công chứng) chúng tôi nhận thấy, từ năm 2008 giá đất ở khu vực này là trên 5 triệu đồng/m2 và giá đất nông nghiệp là gần 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo người dân và cả những nhà KD bất động sản, giá đất bồi thường vừa nêu chỉ bằng từ 20% cho đến 30% giá thị trường. Trong khi Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và Quyết định 35/QĐ-UBND ngày 28/5/2010 của UBND TP đã quy định, trường hợp giá đất bồi thường tại thời điểm thu hồi, chưa sát với giá đất thực tế “thì phải qua thẩm định để xác định lại” cho phù hợp theo giá thị trường, và “không bị giới hạn về khung giá” các loại đất.

Điều “đáng quan ngại” là phương án vừa nêu quy định “Đơn giá đất ở trung  bình của khu vực dự án để tính hỗ trợ đất nông nghiệp trong khu dân cư là 1,4 triệu đồng/m2” (!?). Đúng ra phải quy định “Đơn giá hỗ trợ đất nông nghiệp trong khu dân cư được tính bằng 50% giá đất ở trung bình cộng các mức giá đất ở trong khu vực” thu hồi (Điều 22 Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 28/5/2010 của UBND TP). Như vậy, đơn giá đất ở trung bình của khu vực dự án (để hỗ trợ thêm 50% cho đất nông nghiệp) phải là 4.220.800 đồng/m2, chứ không phải 1, 4 triệu đồng/m2 như phương án bồi thường của UBND quận 12 quy định. Đó là chưa kể “các khoản còn thiếu hụt” bồi thường về nhà cửa, tài sản hoa màu và các hỗ trợ khác, cũng như chính sách tái định cư.

Từ thực trạng vừa nêu chúng tôi cho rằng, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp của TP cần xem xét lại một cách toàn diện “những vấn đề” liên quan đến quá trình xác định vị trí và diện tích sử dụng đất, cũng như phương án bồi thường của Dự án nhà máy XLNT Tham Lương - Bến Cát.


Trúc Lâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm