Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Thoát xác” hay chạy trốn trách nhiệm?

Thứ hai, 26/09/2011 - 09:31

(Thanh tra0 - Trong lúc dư luận đang chờ Công ty Nhị Hiệp thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì bất ngờ bảng hiệu “Nhị Hiệp” được thay bằng “Tài Lộc”. Người dân lo lắng, bởi Công ty Nhị Hiệp “thoát xác” rũ bỏ trách nhiệm, còn Tài Lộc được hà hơi, tiếp sức…

Nhị Hiệp không còn…

Quý I/2011 là hạn cuối để Công ty Nhị Hiệp thực hiện đền bù cho dân sau hơn 10 năm chờ đợi; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh xử lý những sai phạm của Công ty Nhị Hiệp và báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Bây giờ đã cuối tháng 9/2011, Công ty Nhị Hiệp vẫn chưa một lần tiếp xúc người dân để tự thỏa thuận bồi thường. Chính quyền cũng không điều chỉnh, khoanh vùng dự án (DA) để trả lại đất cho dân sớm ổn định đời sống. Những công trình xây dựng không phép trên hành lang sông rạch vẫn sừng sững. Khi TTCP vào cuộc, làm rõ sai phạm và  “buộc” Công ty Nhị Hiệp tự thỏa thuận, thương lượng đền bù đã phần nào lấy lại lòng tin của người dân vào pháp luật, chính quyền; thế nhưng, thực tế lại diễn ra ngược lại.

Ông Đỗ Văn Trắng đại diện cho hàng chục hộ nông dân đã nhiều lần làm đơn gửi Giám đốc Công ty Nhị Hiệp và Chủ tịch UBND quận 9, Chủ tịch UBND TP, đề nghị thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Bà con đã quá khổ sở bởi hơn 10 năm bị Nhà nước thu hồi đất nhưng không được đền bù. Đơn đã gửi nhiều lần nhưng không có hồi âm. Quá bức xúc, ông Đỗ Văn Trắng cùng bà con kéo đến trụ sở Công ty để gặp Giám đốc Huỳnh Văn Mạnh, yêu cầu thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Nhưng càng bức xúc hơn khi thấy một số người đang đục bỏ bảng tên Nhị Hiệp và thay vào đó tên mới “Tài Lộc”. Công ty Nhị Hiệp đã giải thể hay đã chuyển đi nơi khác? Công ty Nhị Hiệp không còn thì đơn vị nào chịu trách nhiệm thực hiện kết luận TTCP, chỉ đạo của Phó Thủ tướng và ai sẽ  đền bù cho người dân? Bà con nông dân đã gặp cán bộ phường, quận để hỏi cho ra lẽ nhưng đến đâu cũng gặp sự im lặng đến lạnh lùng!

Việc “thoát xác” của Công ty Nhị Hiệp không chỉ gây hoang mang cho người dân, mà đẩy kiến nghị TTCP, chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào ngõ cụt. Dư luận cho rằng, đây là cách ông Huỳnh Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Nhị Hiệp rũ bỏ, trốn tránh trách  nhiệm. Trước “chiêu lạ” của Giám đốc Mạnh, 19/5/2011, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư - Tư Pháp nghiên cứu việc Công ty Nhị Hiệp đổi tên thành Công ty Tài Lộc có ảnh hưởng đến pháp lý của Quyết định 807/QĐ-TTg ngày 21/8/1999 của Thủ tướng để báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét, giải quyết theo luật định. 

Tài Lộc được hà hơi, tiếp sức!


Trong khi Công ty Nhị Hiệp không còn nữa, tư cách của Tài Lộc  chưa được làm rõ, UBND TP lại đưa ra nhiều văn bản chỉ đạo không đúng kiến nghị TTCP và chỉ đạo của Phó Thủ tướng, làm lợi cho Công ty Tài Lộc. Nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã bị bóp méo, sai bản chất nhằm kéo dài thời gian thực hiện, mà hậu quả là người dân không được đền bù, sai phạm không bị xử lý.

Đáp lại chỉ đạo Phó Thủ tướng, ngày 28/01/2011, UBND TP có công văn về xử lý sau thanh tra đối với khiếu nại của ông Đỗ Văn Trắng và sai phạm của Công ty Tài Lộc, chỉ đạo UBND quận 9 xây dựng phương án bồi thường, áp giá, hiệp thương, bố trí tái định cư và giải phóng mặt bằng DA. Ngày 16/5/2011, UBND quận 9 đã lập Kế hoạch số 73/KH-HĐBT để áp giá đền bù thay cho DN tự thỏa thuận, thương lượng. Sự áp đặt này càng làm người dân bức xúc hơn, khi chính quyền đưa ra đơn giá đền bù đối với đất nông nghiệp chỉ 200.000 đồng/m2, trong khi loại đất này giá giao dịch không dưới 5 triệu đồng/m2. Thời gian thực hiện kế hoạch này kéo dài đến cuối năm 2011. Người dân sẽ bị xử lý nếu không chấp hành. Sự áp đặt của UBND TP cũng như Chủ tịch UBND quận 9 trái ngược hoàn toàn với kiến nghị TTCP và chỉ đạo của Phó Thủ tướng là DN phải tự thỏa thuận, thương lượng đền bù.

Ngày 19/5/2011, UBND TP lại tiếp tục ban hành Công văn số  3172/VP-PCNC dành nhiều “ưu ái” cho Công ty Tài Lộc. Theo công văn này, UBND TP chấp thuận  đề xuất của UBND quận 9 gia hạn thời gian tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm hành lang sông đến hết tháng 9/2011; giao UBND quận 9 xác minh, giải quyết tranh chấp đất giữa hộ ông Đỗ Văn Trắng và Huỳnh Hùng Vương để làm cơ sở giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Một lần nữa, chính quyền lại bỏ qua kết luận TTCP, không thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cho phép kéo lùi thời gian xử lý những công trình xây dựng không phép. Trớ trêu thay, quận 9 đã không nghiêm túc thực hiện 20 quyết định xử phạt hành chính đã ban hành, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 18.000m2 nhà, xưởng xây dựng không phép theo kiến nghị TTCP, mà lại đề xuất cho Tài Lộc lùi thời hạn xử lý.

Đối với trường hợp ông Đỗ Văn Trắng, TTCP đã làm rõ không có việc tranh chấp đất giữa ông Đỗ Văn Trắng và Huỳnh Hùng Vương mà chỉ lẫn  trong đăng ký số thửa. Công ty Nhị Hiệp (cũ) đã tự đền bù cho đối tượng mà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị Nhà nước thu hồi, hủy bỏ, TTCP kết luận “Chủ đầu tư phải gánh chịu khi tự thỏa thuận bồi thường cho những hộ không đủ tư cách pháp lý về quyền sử dụng đất, cụ thể như trường hợp ông Huỳnh Hùng Vương”. Như vậy, việc tranh chấp đất đã được TTCP làm rõ,  UBND TP lại chỉ đạo quận 9 khẩn trương xác minh, giải quyết tranh chấp đất đai là việc làm không cần thiết, càng làm tình hình phức tạp thêm.

Người dân ở đây cho biết, hơn 10 năm qua họ đã nhiều lần yêu cầu quận 9 điều chỉnh lại số thửa trên giấy chứng nhận nhưng bị từ chối với lý do “đất đang tranh chấp”. Khi TTCP đã lập đoàn thanh tra, kết luận rõ ràng thì thành phố lại chỉ đạo quận 9 trở lại xác minh, giải quyết tranh chấp. Điều này chỉ nhằm kéo dài thời gian không thực hiện đền bù cho người dân.

Việc Nhị Hiệp bị “đục bỏ” và sự hà hơi của chính quyền dành cho Tài Lộc đã gây bất bình trong dư luận, quần chúng nhân dân. Trước việc làm khó hiểu của UBND TP. Hồ Chí Minh, TTCP đã có Công văn 1107/TTCP đề nghị UBND TP nghiêm túc xử lý sau thanh tra tại Công ty Tài Lộc theo nội dung đã được Phó Thủ tướng chỉ đạo. Ngày 02/8/2011, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tiếp tục có Công văn 2854/TDTW yêu cầu UBND TP thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Văn bản số 8664/VPCP ngày 29/11/2010. Thế nhưng, những văn bản chỉ đạo của TTCP, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước vẫn chưa được UBND TP thực hiện. Niềm tin của những người nông dân, vốn thấp cổ bé họng đặt vào TTCP, Phó Thủ tướng cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước vừa được nhóm lên đã lụi tàn dần…

Hữu Văn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm và thiếu sót sau thanh tra ở Con Cuông

Nghệ An: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm và thiếu sót sau thanh tra ở Con Cuông

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Nghệ An vừa ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trong việc chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); việc thực thi công vụ, nhiệm vụ cán bộ, công chức, viên chức.

Văn Thanh

19:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm