Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quyền lợi của dân bị bỏ quên?

Thứ tư, 05/06/2013 - 08:08

(Thanh tra)- Để giải quyết khiếu nại kéo dài liên quan đến những vi phạm trong quản lý đất rừng tại huyện Ba Vì, Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành.

Một góc đồi chè mà CTCP Việt Mông vẫn được khai thác từ năm 2006 đến nay. Ảnh: Bảo Anh

Mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai của Cty Cổ phần Gia súc Việt Mông (CTCP Việt Mông). Tuy nhiên, tại kết luận này, quyền lợi của các hộ dân đã không được kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều vi phạm trong SDĐ

Kết luận thanh tra của Bộ TN&MT chỉ ra, từ năm 1984 - 2006, tình hình giao khoán đất tại Nông trường Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ (Nông trường Việt - Mông) đã có nhiều vi phạm. Nông trường ký hợp đồng với các hộ dân, ngoài diện tích giao khoán đất nông nghiệp, mỗi hộ còn được giao 300m2 đất ở và giao khoán đất trồng cây hàng năm thời hạn 50 năm; việc ký 8 hợp đồng khoán ao, hồ cho các hộ nông trường viên, với diện tích 48,963ha, trong đó có 3 hợp đồng giao khoán 30 năm; ký 15 hợp đồng khoán đất cho 15 hộ nông trường viên để xây ki ốt bán hàng trên đất nông nghiệp, diện tích 2.003m2, thời hạn khoán 30 năm.

Nông trường đã ký 4 quyết định giao đất và 3 hợp đồng giao khoán đất cho 7 tổ chức, với tổng diện tích 8,016ha để xây dựng nhà nghỉ cho cán bộ công nhân viên và trồng cây ăn quả, thời hạn giao khoán đất 50 năm là không đúng thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai năm 1993 và không đúng Nghị định 01 của Chính phủ.

Trong tổng số 1.040 hợp đồng khoán có 565 hợp đồng Nông trường ký sau khi đã có Quyết định 535 ngày 4/3/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép tiến hành cổ phần hóa (CPH). Thực chất việc này là hợp thức hóa giấy tờ hợp đồng khoán trước khi có quyết định CPH. Ngoài 1.040 hợp đồng khoán nói trên, Nông trường còn lập 690 sổ khoán cho các hộ nhận khoán, với tổng diện tích 324,88 ha, trong đó có 20,25ha đất ở. Hiện nay, các hộ đã xây dựng nhà ở. Đây là việc làm không đúng thẩm quyền, vi phạm khoản 3, Điều 23 Luật Đất đai năm 1993.

Đoàn thanh tra chỉ rõ, năm 2002 và 2003, Nông trường Việt Mông ra quyết định giao 296m2 đất được thanh l‎ý tài sản cho Cty Viễn thông Bưu điện tỉnh Hà Tây (nay là Bưu điện Ba Vì) để lắp đặt tổng đài vi ba và mạng viễn thông Ba Vì là không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định Luật Đất đai năm 1993. Đến nay, Bưu điện Ba Vì chưa đăng ký‎ quyền sử dụng đất (SDĐ) và làm thủ tục thuê đất với Nhà nước.

Từ năm 1999 - 2003, Nông trường Việt Mông thanh lý tài sản cho 7 hộ với diện tích 7.991m2 đất và thực hiện giao khoán đất cho các hộ được thanh lý tài sản. Hiện, các hộ đã tự ý xây dựng nhà ở trên đất nhận khoán là sử dụng sai mục đích.

Nông trường cũng không thực hiện trách trách nhiệm trong việc rà soát lại hiện trạng quỹ đất đang quản lý, sử dụng để báo cáo Bộ NN&PTNT, Tổng Cty Chăn nuôi Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tây để xử lý tồn tại trước khi thực hiện phương án CPH.

Doanh nghiệp “được”

Năm 2006, Bộ NN&PTNT có quyết định chuyển Nông trường Việt Mông thành CTCP Việt Mông. Theo đó, Cty được quản lý, sử dụng 29,86ha, diện tích bàn giao lại cho địa phương là 1.086,81ha (tổng diện tích của Nông trường là 1.116,67 ha). Tuy nhiên, việc bàn giao này không được thực hiện. CTCP Việt Mông vẫn quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích của Nông trường. Do vậy, phát sinh mâu thuẫn gay gắt với các hộ dân.

Sau khi CPH, ngày 24/8/2007, UBND tỉnh Hà Tây có Văn bản 3346 chỉ đạo CTCP Việt Mông đo đạc toàn bộ diện tích đất trước đây Nông trường sử dụng để bàn giao về địa phương quản lý theo phương án CPH. Tháng 9/2007, Văn phòng đăng ký quyền SDĐ tỉnh Hà Tây đo đạc lập bản đồ hiện trạng SDĐ thì tổng diện tích đất thực tế là 924,5ha, trong đó đất nông nghiệp là 833,1ha, đất phi nông nghiệp là 89,2ha và đất chưa sử dụng là 2,1ha.

CTCP Việt Mông chưa được UBND TP Hà Nội giao đất hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, việc bàn giao đất về cho địa phương quản lý chưa được thực hiện. Từ năm 2007 - 2012, CTCP Việt Mông chưa làm thủ tục thuê đất và đăng ký quyền SDĐ đối với Nhà nước.

Dự án (D.A) “Làng Sinh thái chè Việt Mông” đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 ngày 3/7/2008 với quy mô khoảng 941ha. CTCP Việt Mông được UBND tỉnh Hà Tây giao là chủ đầu tư tại Quyết định 2302 ngày 11/7/2008. Tuy nhiên, cho đến nay Cty chưa được triển khai đầu tư theo D.A và quy hoạch được phê duyệt do D.A phải rà soát lại và còn vướng mắc, khiếu kiện trong việc bàn giao đất Nông trường địa phương quản lý.

Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện CPH tại Nông trường Việt Mông về các tồn tại trên; cho phép CTCP Việt Mông được nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 và đầu tư D.A “Làng Sinh thái chè Việt Mông” bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây và quy hoạch xây dựng Thủ đô trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định; phần đất nằm ngoài D.A, CTCP Việt Mông bàn giao cho UBND TP Hà Nội quản lý và thực hiện kiểm tra rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật đất đai; UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất đai trên diện tích 29,86 ha đất để lại cho CTCP Việt Mông theo quyết định CPH và lập thủ tục cho CTCP Việt Mông thuê đất theo quy định.

Các hộ dân bị “bỏ quên”?   

Hàng nghìn hộ dân thuộc khu vực Nông trường Việt Mông (cũ) và 2 xã Vân Hòa, Yên Bài bức xúc không được quyền vay vốn giảm nghèo, không được quyền có các giấy tờ sở hữu hợp pháp về nhà đất, không được xây dựng nhà cửa khi con cái trưởng thành… do tranh chấp. Hàng loạt hành vi vi phạm trong quản lý, SDĐ cũng không được xử lý triệt để. Nhiều năm qua, đại diện các hộ dân đã gõ cửa các cơ quan Trung ương để tìm câu trả lời thỏa đáng và cũng đã nhận được nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Văn bản số 369, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND TP Hà Nội quản lý và chỉ đạo xử lý các vi phạm trên diện tích đất trước đây giao cho Nông trường Việt Mông, không để tiếp diễn tình trạng mua bán chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất công; giao Bộ TN&MT chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành với sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội để thanh tra, làm rõ việc quản lý, SDĐ của Nông trường Việt Mông và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra vi phạm trong quản lý, SDĐ; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án SDĐ có hiệu quả; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai; xem xét giải quyết kiến nghị của CTCP Việt Mông và khiếu nại của các hộ dân theo đúng qui định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 12/2012.

Như vậy, báo cáo của Bộ TN&MT đã chậm so với chỉ đạo trên khoảng gần nửa năm. Chưa hết, toàn bộ khiếu nại, kiến nghị, bức xúc của hơn 1.000 hộ dân đến các cơ quan Trung ương mà Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT xem xét, giải quyết đã không hề được đề cập đến!
   

Thanh tra Bộ TN&MT chỉ ra, Bộ NN&PTNT thiếu kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai tại Nông trường Việt Mông, chưa chỉ đạo chuẩn bị tốt việc thẩm định và phê duyệt phương án CPH đối với CTCP Việt Mông; phối hợp không chặt chẽ với UBND tỉnh Hà Tây và chỉ đạo không sâu sát với Nông trường khi chuẩn bị và thực hiện CPH.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội chưa kịp thời, thiếu kiên quyết và chưa nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 5545 ngày 2/10/2007 và Văn bản 4020 ngày 17/6/2011 của Văn phòng Chính phủ.


Bảo Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm