Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo địa phương và ý thức của công dân

Thứ hai, 28/01/2013 - 06:30

(Thanh tra) - Qua theo dõi hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được Báo Thanh tra số chủ nhật phản ánh, chị Trần Thị Tư, ngụ tại nhà số 19 đường 16, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, đã có bài viết gửi Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, “hiến kế” để nâng cao hiệu quả của công tác này.

Chị Trần Thị Tư theo dõi thông tin trên Báo Thanh tra

Theo chị Tư, là một công dân cũng là người đồng hành với tờ báo của Thanh tra Chính phủ nên chị xin kiến nghị mấy vấn đề liên quan đến tình trạng KNTC tập trung đông người mà lâu nay được coi là một “vấn nạn” kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Đó là từ năm 2001 - 2002, khi một số vụ KNTC đông người đã được giải quyết cơ bản thì sau đó đáng lẽ lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam, mà cụ thể là Thanh tra các địa phương cần rút ra bài học rút kinh nghiệm sâu sắc để chấn chỉnh bộ máy công quyền, tạo sự hài hòa giữa Nhà nước và người dân để có sự “đồng thuận” nhằm biện pháp hạn chế thấp nhất việc KNTC vượt cấp. 

Báo Thanh tra số Chủ nhật đăng tải phát biểu của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, với nội dung: “Qua buổi tiếp công dân ngày 18/10/2012 tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, với 46 vụ KN, trong đó có những vụ đã được cơ quan chức năng giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện vượt cấp, có những vụ được tòa án các cấp tuyên xử nhưng dân quay lại KN hành chính, có những vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án nhưng dân vẫn chọn khiếu nại hành chính”. Từ sự kiện này, chị Tư cho rằng, cần có phương án thí điểm nhằm tháo gỡ tình trạng KN vượt cấp, không đúng thẩm quyền như: Các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trực tiếp giải quyết KNTC tại địa bàn 20 tỉnh phía Nam gánh vác một nhiệm vụ nặng nề. Trong khi lãnh đạo Thanh tra Chính liên tục phải đi xuống các địa phương để tiếp dân thì người đứng đầu các địa phương được Đảng, Nhà nước phân công sẽ làm nhiệm vụ gì để hạn chế KNTC vượt cấp? Nên xác định, phân loại các vụ việc đúng, sai theo quy định pháp luật từ hai phía theo hướng: Chính quyền sai hay công dân KN sai? Hay nói khác hơn, thực tế cho thấy cần chấn chỉnh lại trách nhiệm của chính quyền các địa phương cũng như ý thức chấp hành pháp luật của công dân có KNTC; cần hướng dẫn cho mọi công dân phải biết sống và làm theo pháp luật, đồng nghĩa với phương án giáo dục cho mọi người dân phải ý thức và có trách nhiệm rằng, KNTC vượt cấp sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan Trung ương, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, ổn định chính trị của đất nước.

Thực tế, có nhiều công dân vẫn mang tâm lý khi đi KNTC vượt cấp là một thông lệ bình thường, thắng thì được, thua chẳng mất gì. Điều này đã phát sinh KN không đúng thẩm quyền, hôm nay KN đến chính quyền thấy không thắng thì hôm sau chuyển sang thuê luật sư tư vấn để khởi kiện ra tòa. Thậm chí ngay cả khi vụ việc được ngành Tư pháp thụ lý nhưng thấy không thắng lại chuyển hướng sang gửi đơn KN hành chính mà không chịu sự ràng buộc nào. Những trường hợp này một phần lớn do lỗi của lãnh đạo các tỉnh thành đã thiếu trách nhiệm ngay từ đầu khi không giải thích đầy đủ pháp luật, dẫn đến hậu quả phát sinh người dân đi KN vượt cấp. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Nhưng khi cán bộ công chức Thanh tra các địa phương làm tham mưu không đúng và chính xác từng sự việc thì tai hại nghiêm trọng hơn vì sau đó lãnh đạo chính quyền địa phương ký quyết định giải quyết không đúng, gây mâu thuẫn giữa người dân và Nhà nước, không có sự đồng thuận, càng ngày càng gay gắt. Về phía người dân cũng không thể lợi dụng mình là người bạn của Thanh tra rồi tùy tiện đi KNTC tràn lan, không đúng trình tự, vượt cấp và cũng không chứng minh được nguồn gốc nhà đất, không cung cấp được chứng cứ để cơ quan chức năng giải quyết vụ việc đúng pháp luật. Sự thật, cũng có địa phương, Thanh tra tỉnh cũng như lãnh đạo UBND tỉnh có “tâm lý xem thường” các vụ KN của  công dân, không giải quyết ngay từ cơ sở để người dân phải đi KN vượt cấp. Sau đó, Thanh tra Chính phủ lại phải xuống địa phương tiếp công dân để ghi nhận kiến nghị và đề xuất hướng giải quyết. Đơn cử như Kiên Giang, trong vòng không quá 2 tháng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình và Đoàn công tác của Cục III phải tiếp dân 2 lần, trong đó có vụ việc kéo dài 6 năm như Báo Thanh tra đã đưa tin. Vậy có bao nhiêu văn bản tham mưu của thanh tra địa phương và quyết định giải quyết đã được lãnh đạo UBND tỉnh ban hành với tỷ lệ đúng, sai ra sao? Trong khi Đảng, Nhà nước và ngành Thanh tra xác định giải quyết KNTC đông người, vượt cấp là nhiệm vụ chính trị quan trọng thì lãnh đạo địa phương nên chủ động, quan tâm hơn đến công tác này. Lý do là mỗi thửa đất, mỗi ngôi nhà đều có nguồn gốc, quá trình sử dụng được địa phương nắm rõ. Khi phát sinh KN thì các cơ quan chức năng địa phương là nơi đầu tiên tiếp nhận đơn của công dân để xác minh, rà soát, giải thích cho công dân và ban hành quyết định giải quyết đúng lý hợp tình, góp phần hạn chế KNTC vượt cấp. 

Chia sẻ với gánh nặng của ngành Thanh tra nhưng chị Tư cho rằng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cần có phương án để hạn chế tình trạng khiếu nại không có điểm dừng để giúp công dân nhận thức đúng việc không xem KNTC là một “hình thức kinh doanh lời, lỗ hoặc huề vốn”. Cần đánh giá đúng nguyên nhân và quá trình phát sinh KNTC vượt cấp, cũng như xem xét trách nhiệm lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam. Cần sớm có phương án để hạn chế KNTC vượt cấp thông qua đó chấn chỉnh lại bộ máy công quyền địa phương, hướng dẫn công dân về quyền và nghĩa vụ của người KNTC được pháp luật quy định, tạo sự đồng thuận giữa công dân và các cơ quan chức năng.

Giang Lộc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm