Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kết thúc giải quyết khiếu nại đối với bà Thiềm

Thứ sáu, 13/05/2011 - 05:44

(Thanh tra)- Thời gian qua, tỉnh An Giang cùng các cơ quan T.Ư liên tục nhận được đơn và nhiều lần tổ chức đưa người khiếu nại (KN) từ các cơ quan T.Ư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trở về An Giang để lãnh đạo tỉnh phối hợp với bộ, ngành T.Ư tiếp, đối thoại và giải quyết nhưng người KN vẫn không đồng ý. Trong số các trường hợp KN có bà Nguyễn Thị Thiềm, ngụ ấp Mỹ Long, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới đòi được sử dụng dụng 10.000m2 đất tranh chấp với ông Nguyễn Thành Tâm.

Nguồn gốc mảnh đất tranh chấp

Kết quả thẩm tra hồ sơ KN của bà Nguyễn Thị Thiềm thể hiện: Nguồn gốc đất tranh chấp do ông Trần Văn Ba và bà Trần Thị Liếp thừa hưởng của cha mẹ, diện tích 2,84ha tại xã Mỹ Luông (nay là xã Mỹ An), huyện Chợ Mới.

Năm 1954, do tham gia cách mạng ông Ba được tập kết ra Miền Bắc, đất để lại cho bà Liếp canh tác.

Năm 1963, gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm thuê canh tác lúa 1 vụ.

Năm 1970, gia đình ông Khiêm kê khai đất nêu trên và được cấp chứng thư người cày có ruộng, gồm: Bà Trần Thị Tây (vợ ông Khiêm) đứng tên diện tích 0,45ha và con là bà Nguyễn Thị Thiềm đứng tên diện tích 2,39ha.

Năm 1976, ông Khiêm giao cho ông Trần Văn Liêm (em ông Khiêm) 14.000m2 và ông Nguyễn Văn Ai (cháu ông Khiêm) 14.000m2 đất để canh tác.

Năm 1982, bà Liếp nhận lại của ông Liêm và ông Ai mỗi người 7.000m2, tổng cộng 14.000m2. Sau khi nhận đất, bà Liếp giao cho ông Ba 10.000m2. Do công tác xa nên ông Ba giao cho cháu là Trần Văn Bên (con bà Liếp) canh tác.

Ngày 12/4/1990, UBND xã Mỹ Luông xác nhận việc ông Ba sang nhượng thành quả lao động 10.000m2 đất cho ông Nguyễn Thành Tâm giá 6,9 chỉ vàng 24k. Ông Tâm canh tác đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Năm 1991, bà Thiềm tranh chấp 10.000m2 đất do ông Tâm đang sử dụng.

Ngày 6/4/1993, UBND xã Mỹ Luông ban hành Quyết định số 19/QĐ-UB: Chia đôi diện tích đất tranh chấp; bà Thiềm trả lại cho ông Tâm phân nửa số vàng mà ông Tâm đã sang nhượng thành quả lao động với ông Ba.

Ngày 27/6/1994, UBND huyện Chợ Mới ban hành Quyết định số 184/QĐ-UB: Thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 00329/QĐDĐ/PB, diện tích 10.000m2 do ông Tâm đứng bộ; chia đôi 10.000m2 đất tranh chấp, 2 bên miễn bồi hoàn thành quả lao động cho nhau.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần giải quyết

KN của bà Thiềm và ông Tâm đã nhiều lần được các cấp chính quyền tỉnh An Giang và cơ quan T.Ư giải quyết. Cụ thể: Ngày 09/8/1997, UBND tỉnh ký Quyết định số 5898/QĐ-UB: Thu hồi 10.000m2 đất do mua bán trái phép giữa ông Ba với ông Tâm; giao 10.000m2 đất cho bà Thiềm, UBND xã Mỹ Luông có trách nhiệm xuất ngân sách 6,9 chỉ vàng 24k trả cho ông Tâm.

Ngày 4/11/1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2194/QĐ-UB-KN: Thu hồi Quyết định số 5898/QĐ-UB ngày 9/8/1997; giao cho UBND xã Mỹ Luông quản lý 10.000m2 đất.

Ngày 10/4/1998, Tổng cục Địa chính có Văn bản số 635/CV-ĐC nội dung: Đề nghị UBND tỉnh An Giang xem xét lại vụ việc; bà Thiềm tranh đất với ông Tâm là không có cơ sở pháp lý để giải quyết công nhận đất cho bà Thiềm. Vì từ năm 1975 đến nay bà Thiềm không sử dụng đất tranh chấp. Đến hiện nay, sau nhiều lần làm việc với tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn giữ quan điểm giải quyết này.

Ngày 13/3/2002, UBND tỉnh ký Quyết định số 613/QĐ-UB: Công nhận quyền sử dụng 10.000m2 đất cho ông Nguyễn Thành Tâm. UBND xã Mỹ Luông có trách nhiệm giao 10.000m2 đang quản lý cho ông Tâm ngay đầu vụ Đông - Xuân năm 2001 - 2002. Công nhận sự tự nguyện của ông Tâm hỗ trợ cho bà Thiềm 300 giạ lúa/10.000m2. Bà Thiềm không đồng ý, tiếp tục KN.

Chấm dứt giải quyết khiếu nại

Từ diễn biến trên cho thấy, mặc dù toàn bộ diện tích đất tranh chấp trước năm 1975 thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Thiềm, nhưng sau đó giao lại cho ông Ai và ông Liêm canh tác.
Năm 1982, ông Ai và ông Liêm lại giao đất cho bà Liếp. Việc giao đất này là có thật. Bà Thiềm cho rằng do bà Liếp dùng áp lực để lấy lại đất, nhưng không chứng minh được lập luận của mình. Sau khi nhận đất, bà Liếp đã giao lại cho ông Ba.

Năm 1990, ông Ba sang nhượng đất cho ông Tâm. Tuy việc sang nhượng này không phù hợp quy định pháp luật đất đai tại thời điểm, nhưng được chính quyền địa phương chứng thực và thực tế ông Tâm đã nhận đất, thực hiện chuyển vụ và trực tiếp canh tác đến khi UBND tỉnh quyết định thu hồi (năm 1998) giao đất cho UBND xã Mỹ Luông quản lý.

Bà Thiềm đòi được công nhận phần đất mà gia đình không còn sử dụng từ năm 1976 là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Năm 1994, UBND huyện Chợ Mới đã giải quyết chia đôi đất tranh chấp là đã có xem xét đến nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của 2 bên, nhưng cả 2 đều không đồng ý.

Đến năm 2002, xét ông Tâm hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, có nhu cầu đất để sản xuất, trong lúc bà Thiềm đang có cuộc sống ổn định, còn 12.315m2 đất sản xuất khác nên UBND tỉnh giải quyết giao đất cho ông Tâm sản xuất là phù hợp. Khi được giải quyết đất, ông Tâm đã tự nguyện hỗ trợ cho bà Thềm 300 giạ lúa là phù hợp đạo lý, nhưng bà Thiềm không nhận.

Thực hiện kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/2/2009 của Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát vụ việc KN, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài, ngày 14/9/2010, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh An Giang đã tổ chức tiếp và công bố kết thúc giải quyết KN đối với bà Nguyễn Thị Thiềm.

Chính vì thế, mới đây, tại Văn bản số 201/TB-UBND, UBND tỉnh An Giang đã thông báo kết thúc giải quyết KN đối với bà Nguyễn Thị Thiềm; yêu cầu bà Thiềm nghiêm chỉnh chấp hành theo quyết định của tỉnh, chấm dứt KN.

Căn cứ kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại khoản 1 Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 19/3/2009 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đề nghị các cơ quan T.Ư không tiếp nhận đơn, không chuyển đơn KN của bà Thiềm.

Minh Đăng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm