Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điểm mới trong tiếp dân và giải quyết khiếu nại

Chủ nhật, 14/10/2012 - 15:21

(Thanh tra) - Ngày 03/10/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại (KN). Theo đó, Nghị định gồm 6 chương 35 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2012, thay thế các quy định về KN trước đây.

Cử người đại diện trình bày KN

Điều 5 Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định khi nhiều người cùng KN về một nội dung thì phải cử người đại diện, là người KN, trình bày nội dung KN. Theo đó, trường hợp có từ 5-10 người KN thì cử 1 hoặc 2 người đại diện, nếu có từ 10 người KN trở lên, có thể cử thêm người đại diện nhưng không quá 5 người. Việc cử người đại diện để trình bày KN phải được thể hiện bằng văn bản; người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng KN về một nội dung ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã): Khi phát sinh nhiều người cùng KN về một nội dung ở cấp xã, Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm phân công cán bộ tiếp đại diện của những người KN để nghe trình bày nội dung KN. Trường hợp phức tạp, Chủ tịch UBND xã chủ trì, phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tiếp, nghe đại diện của người KN trình bày nội dung KN. Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm chỉ đạo Công an xã giữ gìn trật tự công cộng nơi có người KN tập trung; thuyết phục, hướng dẫn người KN thực hiện việc KN đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND xã thụ lý để giải quyết theo quy định pháp luật KN thuộc thẩm quyền, nếu KN không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn công dân đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Công khai kết quả giải quyết KN

Điều 12 của Nghị định nêu rõ: Trong thời hạn 15 ngày, từ khi có quyết định giải quyết KN, người có thẩm quyền giải quyết KN lần 2 có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết KN theo một trong các hình thức sau: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị KN công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc, hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết KN; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp công bố tại cuộc họp, thì thành phần tham dự họp phải bao gồm: Người ra quyết định giải quyết KN, người KN hoặc đại diện, người bị KN và cơ quan, tổ chức có người có liên quan. Trước khi tiến hành cuộc họp công khai, người có thẩm quyền giải quyết KN phải có văn bản thông báo trước 3 ngày làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết.

Việc thông báo quyết định giải quyết KN trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện trên báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Người có thẩm quyền giải quyết KN có trách nhiệm chọn một trong các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện việc thông báo. Trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền giải quyết KN có cổng thông tin điện tử, hoặc trang thông tin điện tử, phải công khai trên các phương tiện này. Trường hợp niêm yết tại trụ sở làm việc, hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết KN, thời gian niêm yết quyết định giải quyết KN ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Xem xét lại việc giải quyết KN

Khi phát hiện việc giải quyết KN vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp công dân, cơ quan, tổ chức hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc KN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết lại vụ việc KN, hoặc giao Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra, xem xét lại vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết.

Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quyền kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết lại vụ việc KN, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nếu phát hiện việc giải quyết KN vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc KN.

Sau khi kiểm tra xem xét lại vụ việc KN, trường hợp Thủ tướng Chính phủ kết luận là đúng pháp luật, người ra quyết định giải quyết KN tổ chức thi hành quyết định giải quyết KN, và thông báo công khai chấm dứt việc xem xét, giải quyết vụ KN. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ kết luận việc giải quyết KN sai một phần hoặc sai toàn bộ, người ra quyết định giải quyết KN lại vụ việc, sửa sai, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người KN và thông báo công khai việc giải quyết lại vụ việc KN.

Người giải quyết KN, người KN, người bị KN, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, có trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về việc giải quyết KN.


Ngô Quang Tâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm