Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính quyền chủ động sẽ nâng cao chất lượng giải quyết khiếu tố của công dân

Thứ hai, 09/01/2012 - 06:22

(Thanh tra) - Trực tiếp phụ trách địa bàn khá “nóng” về công tác giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và tìm tòi nhiều góc khuất trong từng vụ việc.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh làm việc tại Cục II. Ảnh: Nam Dũng

Trong thành công nói chung về công tác giải quyết KN,TC những năm qua của ngành Thanh tra có sự nỗ lực của Cục Giải quyết KN,TC và thanh tra khu vực II và III. Nhân dịp năm mới, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đã dành cho PV Báo Thanh tra cuộc trò chuyện thân mật.

Nhìn lại công tác giải quyết KN,TC 2 năm gần đây, ông Nguyễn Đức Hạnh khẳng định: Không ai có thể phủ nhận được những nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên trách, đặc biệt là sư đóng góp đáng kể của Thanh tra Chính phủ (TTCP); tình hình an ninh trật tự xã hội được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 và đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Để làm tốt công tác giải quyết KN,TC của công dân, ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, TTCP đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch và triển khai trong toàn ngành. Việc huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, các bộ, ngành và sự chủ động vào cuộc của cơ quan thanh tra từ Trung ương đến địa phương đã mang lại một không khí mới, một kết quả mới trong công tác giải quyết KN,TC của công dân. Tình hình KN,TC đã giảm trên cả 3 phương diện: Số người, số vụ và tính chất các vụ việc KN,TC. Tuy vẫn còn tình trạng người dân KN vượt cấp, đeo bám nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương, nhưng số vụ đã giảm đáng kể. Hiện trong cả nước vẫn còn một số vụ việc phức tạp, mặc dù đã tập trung giải quyết nhưng chưa dứt điểm như: KN của công dân Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc dự án hồ chứa nước Sông Ray, đồng bào dân tộc KN về thu  hồi, giao đất, giao rừng ở Bình Phước, ở Đắc Lắc, Đắc Nông, KN về chính sách đền bù, hỗ trợ khi thực hiện các dự án đầu tư ở khu đô thị Phước Long, Nha Trang (Khánh Hòa), khu đô thị Dương Nội (Hà Nội), khu đô thị và thương mại Văn Giang (Hưng Yên), dự án Trường bắn TB1 (Bắc Giang)…

+ Thực tế 3 giảm trong giải quyết KN,TC năm qua còn có nguyên nhân trực tiếp gì, thưa ông?

- Như trên tôi đã nói, sự chủ động của các cơ quan, của hệ thống chính trị là một nguyên nhân căn bản đẩy lùi KN,TC. Tôi còn cho rằng, một nguyên nhân quan trọng đó là TTCP đã thực hiện có kết quả việc quản lý Nhà nước đối với công tác KN,TC theo luật định; việc chỉ đạo, điều hành đã bám sát chương trình, bám sát địa phương, bằng nhiều giải pháp hiệu quả.

TTCP đã chỉ đạo toàn ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện Kết luận số 130 của Bộ chính trị, Kế hoạch số 345/KH-TTCP, Kế hoạch số 319/KH-TTCP về kiểm tra, rà soát các vụ việc KN,TC tồn đọng, bức xúc, kéo dài; tiến hành thống kê, đánh giá, phân loại để phối hợp với các địa phương có kế hoạch giải quyết cụ thể. Trong đó, tập trung đối tượng khiếu kiện đông người, vượt cấp, tồn đọng, lâu  năm; chủ trì cùng các cấp, các ngành và địa phương, tăng cường đối thoại với công dân, nắm chắc, nắm rõ vụ việc để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm.

Với sự cố gắng, nỗ lực của TTCP và thanh tra các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC, công tác giải quyết KN,TC đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều địa phương đã thực hiện những biện pháp phù hợp, có lý, có tình trước khi ban hành quyết định. Do đó, tạo được sự đồng thuận khi kết luận, giải quyết vụ việc.

Ngoài việc đẩy mạnh rà soát các vụ KN,TC, TTCP đã xây dựng kế hoạch tiếp công dân, giải quyết KN,TC rất cụ thể. Lãnh đạo TTCP phụ trách theo địa bàn đã trực tiếp về địa phương, thành lập nhiều tổ công tác, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, việc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong việc thực hiện các qui định pháp luật về giải quyết KN,TC cũng được TTCP đẩy mạnh. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng góp phần tạo nên bức tranh 3 giảm về tình hình KN,TC của công dân.

Tôi cho rằng, địa phương nào làm tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về giải quyết KN,TC thì ở đó số vụ KN,TC thấp và tính chất KN,TC ít bức xúc, đỡ gay gắt.

Như vậy, có thể nói, TTCP đã nhận diện và nhìn đúng nguyên nhân của tình hình KN,TC để đưa ra các giải pháp thích hợp.

+ Trực tiếp phụ trách các địa bàn được đánh giá là “nóng” về KN,TC, ông có băn khoăn, trăn trở gì trước thềm năm mới 2012?


- Những năm gần đây tình hình KN,TC của công dân có nhiều diễn biến khó lường. Tuy nhiên, trong năm 2011, kết quả giải quyết KN,TC có những chuyển biến tích cực. Tôi cho rằng, cùng với nỗ lực của các cơ quan Trung ương, các địa phương đã tăng cường vai trò trách nhiệm về giải quyết KN, làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước của mình. Điều đó góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng của công tác giải quyết KN,TC.

Trăn trở lớn nhất của tôi là giải quyết KN,TC ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, các vụ KN,TC ở địa bàn này ít đến các cơ quan Trung ương nhưng khi đã đến thì tính chất lại phức tạp. Điều đó xuất phát từ trình độ nhận thức có phần hạn chế của người dân nhưng cũng có phần nguyên nhân là việc giải quyết KN,TC còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Chất lượng giải quyết các vụ việc còn hạn chế. Thái độ, ứng xử của số ít cán bộ khi tiếp xúc với công dân chưa đúng mức, làm công dân chưa hài lòng. Chính sách, cơ chế giải quyết KN,TC còn nhiều bất cập. Chính những điều này làm cho số vụ việc KN,TC của công dân vẫn còn nhiều. Số vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài vẫn loay hoay chưa dứt.

Trong nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC, tôi cho rằng, cần tăng cường cho vùng sâu, vùng xa để việc KN,TC được giải quyết tận gốc, hạn chế tình trạng đoàn đông người đeo bám Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần sớm luật hóa các qui định về “điểm dừng” trong KN,TC; đặc biệt qui định về điều kiện để chuyển vụ việc KN của công dân từ KN hành chính sang vụ án hành chính một cách cởi mở, thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho công dân có cơ hội chọn lựa hình thức KN phù hợp nhất.

+ Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KN, Luật TC. Chủ tịch nước cũng đã ký lệnh công bố hai luật này. Cùng với các điểm nhấn mà ông vừa chỉ rõ, cần ưu tiên giải pháp nào để hai luật trên sớm đi vào cuộc sống?

- Một trong những trăn trở lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng giải quyết KN,TC là trình độ hiểu biết pháp luật nói chung, pháp luật về KN,TC nói riêng của công dân còn thấp, chưa toàn diện. Trong khi đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn khó khăn về tài chính, thiếu kinh phí… Do đó, để luật nhanh chóng phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết KN,TC, tôi cho rằng ngoài việc xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết cần đẩy mạnh tuyên truyền để luật đến được với người dân, trở thành hơi thở trong cuộc sống của mỗi người và định hướng hành động của họ. Các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Thanh tra, giữ vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải luật đến với từng nhà, từng người, nhất là vùng sâu, vùng xa như khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ và khu vực Tây Bắc.
           
Trở lại với cái gốc của khiếu kiện vượt cấp, tôi cho rằng, nguyên nhân của khiếu kiện chính là quyền lợi của người dân chưa được giải quyết hợp lý. Thậm chí, các vụ KN đã có các quyết định giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp khiếu cũng có nguyên nhân một phần nào đó quyền lợi của dân chưa được thỏa đáng. Nói cách khác, có thể hợp lý mà chưa hợp tình hoặc ngược lại.

Tôi rất nhớ một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Đồng bào có oan thì mới đi khiếu kiện. Họ không hiểu thì mới khiếu kiện”. Tôi cũng thấm thía chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, việc giải quyết KN,TC không phải là việc ra một quyết định hành chính là xong mà chỉ xong khi nào người dân cảm thấy quyền lợi của mình được bảo đảm. Do vậy, cần nhìn rõ “cái gốc” này trong giải quyết KN,TC. Người cán bộ thanh tra, với cái tâm của mình, khi xem xét, đề xuất quyền lợi của người dân phải đặt lợi ích của họ lên trên cả lợi ích của chính mình, đừng “cố chấp” và đừng có tư tưởng “ăn thua” với người dân.
            
Cũng quay trở lại một thực tế của KN,TC là hầu hết các vụ KN,TC đều liên quan đến đất đai. Trong khi đó, các chính sách pháp luật về đất đai còn có chỗ chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, còn có chỗ vênh nhau, chưa bảo đảm sự hài hòa về quyền lợi của Nhà nước, của nhà đầu tư và người dân… Cần nhanh chóng rà soát các điểm bất cập này và sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các qui định về chính sách, cơ chế đền bù, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng, về vai trò của nhà đầu tư, các chính sách quản lý đất đai…
            
Về phía cơ quan thanh tra, tôi cho rằng, cấp Trung ương cần làm tốt hơn nữa việc đôn đốc, chỉ đạo địa phương, tránh tình trạng để chậm, để lâu trong giải quyết KN,TC. Cơ quan thanh tra cấp dưới cần chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết, tránh tình trạng để người dân bức xúc kéo lên cơ quan Trung ương. Với sự vào cuộc chủ động của các cơ quan và bộ máy chính quyền, chắc chắn tránh được sự xúi giục của các thế lực thù địch và hiệu quả giải quyết KN,TC sẽ được nâng lên.

+ Xin trân trọng cám ơn ông!

Thúy Nhài (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm