Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

10 sự kiện của ngành Thanh tra Việt Nam

Thứ hai, 03/01/2011 - 15:32

(Thanh tra)-1/ Ngày 15/6/2004, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh tra và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo. Hai Luật này có hiệu lực từ ngày 1/10/2004. Theo Luật Thanh tra, tổ chức của hệ thống Thanh tra Nhà nước được quy định gồm 2 phân hệ: Các cơ quan Thanh tra theo cấp hành chính và các cơ quan Thanh tra theo ngành, lĩnh vực. Luật Thanh tra 2004 sau khi chính thức có hiệu lực đánh dấu một bước ngoặt lớn về sự phát triển, trưởng thành của ngành Thanh tra; cơ quan Thanh tra Chính phủ cùng lúc xây dựng hàng loạt các Nghị định, văn bản để Luật đi vào cuộc sống.

Đó là Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; Nghị định qui định về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Nghị định qui định về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan TTCP và Nghị định qui định về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra… Đây là hành lang pháp lý rộng và cơ bản để ngành thanh tra củng cố, phát triển.

2/ Ngày 29/6/2005, Chủ tịch nước ký Quyết định số 781/2006/QD-CTN bổ nhiệm đồng chí Trần Văn Truyền, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, giữ chức vụ Tổng Thanh tra.

3/ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCTN: Ngày 29/11/2005, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XI đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hai Luật này có hiệu lực từ 1/6/2006. Luật Phòng, chống tham nhũng qui định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng, được đánh giá là một bước đột phá trong tư duy lập pháp về phòng, chống tham nhũng. Tháng 7/2008, Điều 73, Điều 74 của Luật này được sửa đổi, cho phép thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng cấp tỉnh. Đây là bước phát triển quan trọng, hoàn chỉnh thêm một bước bộ máy để Luật đi vào cuộc sống. Cùng với Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng đã và đang chứng minh hiệu quả trong quản lý Nhà nước và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Ngành Thanh tra Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác khu vực và quốc tế, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Hoạt động hợp tác đối ngoại song phương giai đoạn được tổ chức trên tinh thần chủ động, tích cực, bám sát kế hoạch hợp tác quốc tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến nay, ngành Thanh tra đã tổ chức thành công 8 kỳ đối thoại về phòng, chống tham nhũng với các nhà tài trợ, tổ chức hàng chục hội thảo, hội nghị quốc tế và cử nhiều đoàn đi dự các hội nghị quốc tế, củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, với các cơ quan chống tham nhũng của các nước ASEAN phù hợp với xu thế hội nhập. Ngành Thanh tra cũng tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế về thanh tra và phòng, chống tham nhũng như: Tổ chức Thanh tra Châu Á, Sáng kiến chống tham nhũng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ADB/OECD, Diễn đàn hợp tác đa phương ASEAN và đặc biệt là tổ chức thành công các sự kiện do Thanh tra Chính phủ đảm trách trong năm APEC Việt Nam 2006. Hoạt động đối ngoại và thành công đáng ghi nhận của ngành Thanh tra Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, thể hiện sự tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nói chung và của ngành Thanh tra nói riêng trong lĩnh vực thanh tra, phòng chống tham nhũng.

4/ Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành thanh tra” (POSCIS) chính thức được khởi động vào tháng 01/2007 với sự tham gia của thanh tra các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an và Thanh tra các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Dương, Kiên Giang và Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh. POSCIS là Chương trình do các nhà tài trợ Thụy Điển, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy; gồm 10 dự án hợp phần, kéo dài đến năm 2014. Chương trình đã đặt ra 9 mục tiêu cụ thể, 41 đầu ra và hàng trăm nhóm hoạt động khác nhau xoay quanh 3 nội dung chính là xây dựng và hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Chương trình được xây dựng và tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các địa phương: Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Bình Dương, Kiên Giang và Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó, dự án hợp phần tại TTCP giữ vai trò trụ cột, mang tính “dẫn dắt” cho việc triển khai các dự án hợp phần khác với  tổng số vốn cam kết khoảng 11,7 triệu USD.

5/ Năm 2009, Thanh tra Chính phủ tham mưu trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Chiến lược này được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất đến 2011, thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh việc xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong dân. Giai đoạn thứ hai (2011-2016), tiến hành mở rộng các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN làm căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật này phù hợp với tình hình mới. Giai đoạn thứ ba (2016-2020), tiếp tục làm tốt các giải pháp đã đề ra và đã thực hiện từ các giai đoạn trước.

6/    TTCP tham mưu trình Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về PCTN. Ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Đây được xem là quyết định quan trọng thể hiện những nỗ lực và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế và tăng cường chỉ đạo thực hiện và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ngày 18/9/2009, Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (CTN) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

7/ Tháng 6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 858 về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp dân. Đề án kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiếp công dân; Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân; Tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân. Trách nhiệm này sẽ được kiểm tra và xử lý nghiêm khắc nếu có vi phạm.

8/ Phê duyệt Đề án đưa PCTN vào trong trường học. Tháng 12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 137 phê duyệt đề án "Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng". Đây là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, đồng thời thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Chính phủ.

9/ Ngành Thanh tra long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng của Đảng và Nhà nước trao tặng và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 3 của ngành. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành trung ương đã đến dự và chung vui cùng toàn thể cán bộ của ngành thanh tra. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành quả, thành tựu to lớn mà ngành thanh tra đã đạt được trong suốt 65 năm qua và khẳng định: Công tác thanh tra đã góp phần phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, thông qua đó cũng kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục nhiều bất cập, sơ hở trong thế chế, chính sách hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Nhân dịp này, nhiều tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đã được trao tặng Huân chương Lao động; Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Tại đại hội, có 3 cá nhân là Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra Nguyễn Thanh Hải, đã vinh dự đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

10/ Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quộc hội đã biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII. Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 7 Chương, 78 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Luật Thanh tra (sửa đổi) nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, xác định tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng có một thay đổi rất quan trọng khác trong quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Đây được coi là sự kiện quan trọng, là bước tiến đánh dấu sự thay đổi về chất và về lượng của ngành thanh tra, đáp ứng được những yêu cầu phát triển của ngành thanh tra trong giai đoạn mới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm