Theo bà Katharine, trong thời đại đầy biến động, truyền thông phải xác định các giá trị và nguyên tắc của mình. Bà cũng nhấn mạnh: "Thời gian thay đổi. Công nghệ thay đổi. Nguyên tắc thì không. 200 năm, và chúng tôi chỉ mới bắt đầu".

5 nguyên tắc, cũng là những giá trị, tiêu chuẩn và ý tưởng mới mà nữ Tổng Biên tập đầu tiên của Guardian giới thiệu bao gồm:

1. Phát triển những ý tưởng giúp cải thiện thế giới chứ không chỉ phê bình nó

Nhiệm vụ của Guardian là cung cấp những thông tin thực tế giúp người đọc hiểu về thế giới - nhưng cũng là những ý tưởng mới để thắp lên hy vọng rằng sự thay đổi là có thể.

Năm 1921, Tổng Biên tập Guardian khi ấy là Charles Prestwich Scott đã ủy quyền cho John Maynard Keynes - nhà báo, nhà kinh tế học - phụ trách một loạt bài luận về sự hồi sinh kinh tế của châu Âu thời hậu chiến. Chúng xuất hiện dưới dạng 12 phụ trương hàng tháng của Guardian với tiêu đề "Reconstruction in Europe" (tạm dịch: Sự tái thiết ở châu Âu), với sự đóng góp của các nhà kinh tế, chính trị gia hàng đầu và những người đoạt Giải Nobel, cũng như 13 tác phẩm của chính Keynes.

Theo Katharine Viner, vào thời điểm mà rất nhiều độc giả của Guardian đang suy nghĩ về cách tổ chức thế giới hậu Covid - về cách mà chúng ta có thể sử dụng khoảnh khắc này để đạt được tiến bộ - cũng là lúc Guardian ra mắt một loạt bài viết dạng dài vào mùa hè này, có tên là "Reconstruction 2021" (tạm dịch: Sự phục hồi năm 2021), với sự đóng góp của nhiều nhà tư tưởng đương đại vĩ đại trên thế giới, để hình dung về một thế giới hậu Covid tốt đẹp hơn.

2. Cộng tác với độc giả và những người khác, để có sự tác động lớn hơn

Theo bà Katharine Viner, hiện nay, độc giả của Guardian tài trợ cho Báo ở mức độ lớn hơn bao giờ hết và với tư cách là nhà báo, Guardian trải nghiệm thế giới với độc giả của mình như những công dân bình đẳng. Mối quan hệ của Guardian với độc giả không mang tính buôn bán, giao dịch - mà là sự chia sẻ có ý thức về mục đích, sự tận tâm để thấu hiểu và làm sáng tỏ thời đại của chúng ta.

Nhiều dự án báo chí tốt nhất của Guardian được độc giả đọc bằng trái tim của họ - từ những phản hồi đầy xúc động, cho thấy điều có thể xảy ra khi nhà báo cộng tác chặt chẽ với các cộng đồng địa phương, tự hòa mình vào đó và thậm chí chuyển máy ảnh hoặc các công cụ xuất bản của Guardian cho người khác để sự thật được lên tiếng, được nghe thấy.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Andrew Stocks/Ellen Wishart/Guardian Design 
 

Guardian đã được ghi nhận là tờ báo đáng tin cậy nhất, đồng thời là tờ báo chính thống được đón đọc nhiều nhất nước Anh.

Thống kê của Công ty PAMC từ tháng 10/2017 tới tháng 9/2018 cho thấy, có hơn 97% độc giả báo điện tử tin rằng, thời gian đọc Guardian là vô cùng hữu ích, con số cao nhất trong tổng số các nhà xuất bản tin tức khác trên nước Anh. Con số này thậm chí còn đạt tới 99% với ấn phẩm báo in.

Hầu hết độc giả của Guardian đều nhận định rằng, những tin tức của tờ báo này là độc nhất, và họ hoàn toàn tin tưởng vào những gì được đăng tải.

"Đây là một kết quả tuyệt vời, đánh dấu sự độc đáo của Guardian trong giới truyền thông", Tổng Biên tập Katharine Viner nói và tự hào: "Chúng tôi luôn thấy lòng tin của các độc giả báo in và báo điện tử ở mức cao, và thật sự tuyệt vời khi tờ báo tìm được tiếng nói nơi các độc giả trẻ tuổi".

Lấy cảm hứng từ nền báo chí tuyệt vời mà độc giả đã cộng tác với Guardian, bà Katharine Viner cho biết, sẽ khởi động một trung tâm cộng đồng Guardian mới để mở rộng và tập hợp tất cả các dự án hướng đến độc giả của báo.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Andrew Stocks/Ellen Wishart/Guardian Design 
 

3. Đa dạng hóa để có nhiều bài báo phong phú hơn từ một tòa soạn đại diện

Các phương tiện truyền thông nói chung phải đa dạng hơn nhiều nếu chúng ta thực sự hiểu những gì đang xảy ra trên thế giới, để trở thành đại diện đầy đủ cho xã hội và để có được những bài báo hay hơn.

Guardian đã và đang làm việc để tuyển dụng cũng như quảng bá tài năng của các nhà báo da màu, đồng thời sử dụng báo chí Guardian để đưa ra sức nặng thực sự cho các vấn đề ảnh hưởng đến người da màu trên mọi khía cạnh mà các bài báo thực hiện.

Vào năm 2021, Guardian cho biết, sẽ tạo ra một vị trí biên tập cấp cao mới để gắn kết sự đa dạng từ trên xuống và sẽ cam kết thực hiện các mục tiêu mới về sự đa dạng, với mục đích cải thiện nhanh chóng về tính đại diện và mang lại sự thay đổi về văn hóa.

4. Tất cả công việc đều có ý nghĩa

Guardian cam kết sản xuất báo chí có ý nghĩa cho độc giả theo các cách mới, dựa trên những thành công gần đây của Báo với podcast, báo chí trực tiếp và bản tin.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên, nét đặc trưng của Guardian tập trung sâu hơn bao giờ hết vào những câu chuyện của con người, chẳng hạn như sự phá hủy kinh hoàng của dịch bệnh trong loạt bài "Lost to the virus" (tạm dịch: Những tổn thất kinh hoàng bởi virus). Guardian đã kể các câu chuyện về những người truyền cảm hứng đấu tranh cho công lý chủng tộc, với loạt bài "Black lives" (tạm dịch: Cuộc sống của người da đen) và trong "How to live now" (tạm dịch: Sống sao bây giờ), các nhà báo đã đưa ra lời khuyên từ chuyên gia, đáp ứng nhu cầu của độc giả trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Tổng Biên tập Guardian cho biết, sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu của độc giả, và nhận thấy rằng, sự chia sẻ hiểu biết của các nhà báo về thế giới đang ngày càng rộng mở. Guardian sẽ ra mắt loạt bài mới, "The Outspoken" (tạm dịch: Nói thẳng), tập trung vào những con người vô danh đang cố gắng thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.

5. Viết một cách công bằng về con người cũng như quyền lực, và tìm ra sự thật

Nhiệm vụ chính của các nhà báo là thông tin, tìm ra sự thật, dám đứng lên chống lại những người có quyền lực. Cùng với đó là viết về cuộc sống của những người bình thường và họ bị ảnh hưởng như thế nào bởi các quyết định của những người nắm quyền.

Người đứng đầu Guardian cho biết, sẽ tiếp tục đào sâu với các cuộc điều tra tốn thời gian có tác động thực sự, để thông tin tới và về các cộng đồng mà tiếng nói của họ không được lắng nghe, kể những câu chuyện mà ở đó phơi bày các vấn đề chính trị, xã hội và văn hóa rộng lớn hơn.

Guardian đã mở rộng đội ngũ nhà báo về khoa học, sức khỏe và môi trường, và cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào mạng lưới phóng viên quốc tế.

leftcenterrightdel
 Tờ thông báo xuất bản trước ấn bản đầu tiên của Manchester Guardian năm 1821. Ảnh: Thư viện Đại học Manchester 

Ấn bản đầu tiên của Manchester Guardian được xuất bản vào ngày 5/5/1821 bởi nhà báo người Anh 30 tuổi John Edward Taylor, dành cho các giá trị khai sáng, tự do, cải cách và công lý. Tờ báo được ra đời với sự tự tin và lạc quan, bởi một người tin rằng, “bất chấp Peterloo và các điệp viên cảnh sát, lẽ phải vẫn tuyệt vời và sẽ chiến thắng”.

Năm 1959, báo được đổi tên thành The Guardian. 

Hoài Phương