Theo Cơ quan Giám sát và Chống tham nhũng Arab Saudi (Nazaha), cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý 158 vụ liên quan tham nhũng, thực hiện 226 vụ bắt giữ, thu hồi 1,2 tỷ SR và đã nộp lại kho bạc nhà nước; đồng thời, phanh phui vụ án tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay tại Bộ Quốc phòng.

Nazaha đã bắt đầu điều tra 48 cá nhân liên quan, trong đó có 19 cán bộ nhân viên công tác tại Bộ Quốc phòng, 3 công chức Chính phủ, 18 doanh nhân và 8 nhân viên hợp đồng.

Trong một vụ việc khác, một cán bộ của Bộ Tài chính đã bị bắt giữ vì nhận hối lộ 100.000 SR liên quan đến các sai phạm tài chính trong dự án trị giá 23 triệu SR.

Trong số những người bị bắt còn có 1 thiếu tướng và 3 nhân viên hợp đồng với Bộ Vệ binh Quốc gia vì tội nhận hối lộ lên tới hơn 8 triệu SR.

Chính quyền Arab Saudi đã cam kết sẽ duy trì sự kiểm soát của mình đối với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi cá nhân, bao gồm cả những người đã nghỉ hưu, vì “tội phạm tham nhũng tài chính và hành chính không có quy chế thời hiệu”.

Ahmed Al-Hussein, Phát ngôn viên của Nazaha ở Riyadh, nói với Kênh truyền hình Al-Ekhbariya TV rằng, thông điệp “không khoan nhượng” của các nhà lãnh đạo Arab Saudi là rõ ràng, ở chỗ “mọi nghi vấn về hành vi tội phạm tài chính, hành chính và tham nhũng đều được áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể cấp bậc hay địa vị xã hội”.

Trong khi đó, Ashraf Al-Siraj, luật sư kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Tù nhân, Gia đình và Tiền án của họ, nói với Arab News rằng, vai trò của Nazaha là theo dõi và điều tra các trường hợp nhân viên Chính phủ bị nghi ngờ tham nhũng và lợi dụng công việc.

“Những cá nhân này sau đó bị điều tra và nếu được chứng minh là có tội sẽ được chuyển đến tòa án được chỉ định để có một bản án thích hợp", ông nói.

Cũng theo ông Al-Siraj, vương quốc đã "để mắt” đến kẻ tham nhũng và tập trung vào việc loại bỏ tận gốc mọi hình thức hành vi sai trái.

“Không ai đứng trên luật pháp, và pháp luật được tôn trọng cho dù cá nhân đó là cảnh sát, doanh nhân hay người có quyền lực trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nazaha đang làm việc siêng năng và với sự chỉ đạo của lãnh đạo chúng tôi, đất nước sẽ trở nên trong sạch", Al-Siraj tin tưởng.

Liên quan đến những vụ bắt giữ thời gian qua, các nhà báo Arab Saudi cho biết, đây là động thái nằm trong chiến dịch do Thái tử Mohammad bin Salman khởi xướng nhằm kiềm chế tham nhũng ở nước này.

leftcenterrightdel
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: Public Domain 

Sáng kiến của Riyadh đã được hoan nghênh tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud chủ trì ngày 21 - 22/11 vừa qua. Nó có ý nghĩa tạo ra một mạng lưới hoạt động toàn cầu của các cơ quan thực thi luật chống tham nhũng. Arab Saudi đã cam kết hỗ trợ 10 triệu USD cho chiến dịch.

Arab Saudi xếp thứ 51 trong số 198 quốc gia theo đánh giá Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Năm 2017, đất nước giàu dầu mỏ Arab Saudi đã bắt giữ hơn 200 người là hoàng tử, bộ trưởng, doanh nhân… vì tội tham nhũng và giam giữ họ tại các nhà tù khách sạn sang trọng như Ritz Carlton.

Văn phòng Tổng Công tố Arab Saudi cho biết, hơn 100 tỷ USD được thu hồi theo các thỏa thuận giải quyết tài chính đã ký với những người bị bắt giữ.

Tầm nhìn đến năm 2030 của Arab Saudi, do Thái tử Mohammad đưa ra, là nhằm mục đích xóa bỏ tham nhũng mà trong nhiều trường hợp là tội phạm xuyên biên giới và để chống lại nó đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp toàn cầu giữa các cơ quan chống tham nhũng theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Hoài Phương