Một nghiên cứu mới trên Tạp chí Nature cho thấy, nhiều người Mỹ chia sẻ tin tức giả mạo trên mạng xã hội vì họ không chú ý đến việc liệu nội dung có chính xác hay không - mà không phải là do họ không thể phân biệt được thật giả từ những tin tức bịa đặt.

Thiếu sự chú ý là yếu tố thúc đẩy 51,2% chia sẻ thông tin sai lệch trong số những người dùng mạng xã hội tham gia vào một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu từ MIT, Đại học Regina ở Canada, Trường Kinh doanh Đại học Exeter ở Vương quốc Anh và Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy về Kinh tế ở Mexico.

Kết quả thứ hai của nghiên cứu cho thấy, chỉ cần một sự can thiệp đơn giản - đó là nhắc người dùng mạng xã hội suy nghĩ về độ chính xác của tin tức trước khi đăng và tương tác với nội dung thông tin - có thể giúp hạn chế sự lan truyền của tin giả trên mạng.

“Có vẻ như bối cảnh truyền thông xã hội khiến mọi người mất tập trung vào độ chính xác”, đồng tác giả nghiên cứu Gordon Pennycook (Đại học Regina) nói với The Journalist’s Resource trong một cuộc phỏng vấn qua email. "Mọi người thường có khả năng phân biệt giữa nội dung tin tức đúng và sai, nhưng họ đã không xem xét liệu nội dung có chính xác hay không trước khi chia sẻ nó trên phương tiện truyền thông xã hội".

Pennycook và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện 7 thực nghiệm khoa học hành vi và khảo sát như một phần trong nghiên cứu của họ, có tên: “Dịch chuyển sự chú ý sang độ chính xác có thể giảm thông tin sai lệch trực tuyến”. Một số thực nghiệm tập trung vào Facebook và những nghiên cứu khác tập trung vào Twitter.

Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn người tham gia cho hầu hết các thực nghiệm thông qua Amazon Mechanical Turk - một thị trường tìm kiếm nguồn cung ứng cộng đồng trực tuyến mà nhiều học giả sử dụng. Trong một nghiên cứu, họ đã chọn những người dùng Twitter trước đây đã chia sẻ liên kết đến 2 trang web nổi tiếng mà những người kiểm tra thông tin chuyên nghiệp luôn đánh giá là không đáng tin cậy - Breitbart.com và Infowars.com. Kích thước mẫu cho mỗi điều tra thay đổi từ 401 đến 5.379 người trưởng thành ở Mỹ.

Đối với một số điều tra, các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia xem xét các yếu tố cơ bản của tin bài, đó là: Tiêu đề, câu mở đầu và hình ảnh đi kèm. Một bài báo đại diện cho tin tức xác thực trong khi nửa còn lại chứa thông tin bịa đặt. Những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên để đánh giá độ chính xác của các tiêu đề hoặc xác định xem họ có chia sẻ chúng trực tuyến hay không.

Đối với điều tra cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã gửi tin nhắn riêng tư mang tính nhắc nhở tới 5.379 người dùng Twitter trước đó đã chia sẻ nội dung từ Breitbart và Infowars. Các tin nhắn đề nghị những cá nhân đó đánh giá tính xác thực của một tiêu đề tin tức về một chủ đề không liên quan đến chính trị. Sau đó, các nhà nghiên cứu theo dõi nội dung mà những người tham gia chia sẻ trong 24 giờ tiếp theo.

Các điều tra tiết lộ một loạt thông tin chi tiết về lý do tại sao mọi người chia sẻ thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội:

Một phần ba (33,1%) quyết định chia sẻ tin giả là do họ không nhận ra rằng chúng không chính xác.

Hơn một nửa số người tham gia quyết định chia sẻ tin giả (51,2%) là do thiếu quan tâm, chú ý.

Những người tham gia báo cáo đánh giá độ chính xác liên quan đến đảng phái - với phát hiện rằng, mọi người chia sẻ thông tin sai lệch để mang lại lợi ích cho đảng chính trị của họ hoặc gây hại cho đảng đối lập. Đảng phái là một yếu tố thúc đẩy 15,8% quyết định chia sẻ các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, thiết kế nền tảng truyền thông xã hội có thể góp phần vào việc chia sẻ thông tin sai lệch.

Những người dùng Twitter trước đây đã chia sẻ nội dung từ Breitbart và Infowars ít có khả năng chia sẻ thông tin sai lệch hơn sau khi nhận được tin nhắn riêng tư yêu cầu họ cho ý kiến về tính chính xác của tin tức. Trong 24 giờ sau khi nhận được tin nhắn, những người dùng Twitter này có khả năng chia sẻ một liên kết dẫn đến một trang tin chính thống cao hơn 2,8 lần so với một liên kết đến trang web tin tức giả mạo hoặc siêu đảng phái.

Pennycook và các đồng nghiệp của ông lưu ý rằng, sự can thiệp của Twitter - gửi tin nhắn riêng tư - dường như đặc biệt hiệu quả đối với những người có số lượng người theo dõi lớn.

Pennycook cho rằng, các nền tảng truyền thông xã hội có thể khuyến khích chia sẻ nội dung chất lượng cao hơn - và định hướng lại mọi người về sự thật - bằng cách thúc đẩy người dùng chú ý hơn đến độ chính xác.

Các tác giả của nghiên cứu chỉ ra, nền tảng "có thể yêu cầu người dùng đánh giá định kỳ độ chính xác của các dòng tiêu đề được chọn ngẫu nhiên, do đó nhắc nhở họ về độ chính xác theo cách tinh tế để tránh phản ứng, đồng thời tạo ra các xếp hạng đám đông hữu ích có thể giúp xác định thông tin sai lệch".

Hà Anh