Theo ICIJ, đó là những cải cách luật pháp quan trọng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, là các cuộc điều tra đã và đang diễn ra nhằm vào các nhà lãnh đạo bị phế truất cũng như những kẻ trốn thuế...

Sự hợp tác lớn nhất trong lịch sử báo chí

Thông tin của Hồ sơ Pandora với 2,94 terabyte dữ liệu trong hơn 11,9 triệu tài liệu đến từ 14 nhà cung cấp cung cấp dịch vụ tại ít nhất 38 khu vực trách nhiệm pháp lý là vụ rò rỉ lớn và phức tạp hơn nhiều so với các vụ rò rỉ chấn động trước đó như Hồ sơ Panama, Hồ sơ Paradise.

Việc công bố Hồ sơ Pandora đã gây chấn động thế giới, được gọi là “một quả bom tiền với những làn sóng chính trị”, “một cơn địa trấn tài chính” và “một trong những câu chuyện thực chất của thời đại chúng ta”.

Cuộc điều tra đã đưa người đọc đi sâu hơn bao giờ hết vào bên trong một hệ thống tài chính nước ngoài luôn tồn tại nạn tham nhũng và làm sâu sắc hơn khoảng cách giàu nghèo. Một thượng nghị sĩ Mỹ đã gọi cuộc điều tra là "lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai quan tâm đến tương lai của nền dân chủ", ICIJ trích dẫn.

Hơn 600 nhà báo tại 151 tổ chức tin tức báo chí ở 117 quốc gia đã dành thời gian 2 năm để phân tích những tài liệu bị rò rỉ từ 14 nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp - tất cả đều có trụ sở tại các khu vực pháp lý có mức độ bí mật tài chính cao. Đây là sự hợp tác lớn nhất trong lịch sử báo chí.

Tiết lộ của Hồ sơ Pandora đã vén màn bí mật tài chính của các quan chức cấp cao, nhà tài phiệt, băng đảng, tỉ phú và các nhân vật quyền lực khác sử dụng những công ty vỏ bọc để chuyển của cải ra nước ngoài và mua bất động sản hoặc hàng hóa xa xỉ một cách ẩn danh. Từ đó, đã dẫn đến hành động của các chính phủ và các nhóm quốc tế, kích hoạt các cuộc điều tra, cải cách luật pháp và thay đổi quy định ở hàng chục quốc gia.

Nhng tác động của cuộc điều tra vẫn tiếp tc

Vào tháng 8/2022, tờ Le Monde cho biết, các quan chức chống tham nhũng của Pháp đã mở một cuộc điều tra đối với cựu Thủ tướng Séc Andrej Babis (nhiệm kỳ 2017-2021), người đã bí mật mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở French Riviera (Pháp) vào năm 2009, thông qua các công ty nước ngoài, và sự việc sau đó đã bị phanh phui bởi sự hợp tác truyền thông.

Theo thông tin độc quyền của Le Monde - một đối tác của ICIJ, các nhà điều tra đang xem xét thương vụ bất động sản của ông Babis để đánh giá xem liệu cựu lãnh đạo này có rửa tiền, gian lận thuế hay không.

Trước đó, trong tài liệu phát hành tháng 10/2021 của Hồ sơ Pandora, ICIJ và các đối tác truyền thông tiết lộ rằng, Babis, một tỷ phú và chính trị gia cấp cao, đã sử dụng mạng lưới công ty vỏ bọc ở các khu vực pháp lý nước ngoài để bí mật mua một bất động sản rộng 9,4 mẫu Anh có tên là “Chateau Bigaud” ở Mougins, gần Cannes. Tuy nhiên, ông Babis phủ nhận hành vi sai trái.

Những ngày sau đó, công dân Séc đã bỏ phiếu loại ông Babis ra khỏi nhiệm sở. Đảng Phong trào ANO của ông đứng thứ hai trong trong cuộc bầu cử Hạ viện, cho phép Liên minh SPOLU, gồm 3 đảng, thành lập Chính phủ mới với chiến thắng sít sao.

Một cuộc thăm dò trên phương tiện truyền thông cho thấy, 8% những người ủng hộ đảng của ông đã thay đổi sự lựa chọn trên phiếu bầu do các tiết lộ của Hồ sơ Pandora.

Ngay cả vào thời điểm truyền thông không ngừng đưa về những tin tức nóng hổi và câu chuyện về người nổi tiếng, như lạm phát gia tăng, cuộc xung đột Nga - Ukraine hay cái chết của nữ hoàng Anh... thì Hồ sơ Pandora vẫn tiếp tục là một phần của các bài bình luận truyền thông về chính trị, kinh tế và công lý.

leftcenterrightdel
 Ảnh: GettyImages

Số lượt tìm kiếm “Pandora Papers” trong cơ sở dữ liệu tin tức của Lexis Nexis đã đạt hơn 200 lượt truy cập bằng 14 ngôn ngữ chỉ trong tháng qua. (Lexis Nexis là tập đoàn hàng đầu về cung cấp các giải pháp liên quan tới phòng chống tội phạm tài chính, phòng chống rửa tiền và quản trị rủi ro).

Trong khi đó, các tổ chức báo chí đã đánh giá Hồ sơ Pandora là một “tour de force" (tiếng Pháp, nghĩa là thành công, thành tựu), hay là một câu chuyện mở mang tầm mắt về vấn đề tiền bạc và quyền lực trong thế kỷ 21, và là một nỗ lực hợp tác hầu như không thể thực hiện được bằng sự suy xét báo chí thông thường.

Chỉ vài ngày sau khi Hồ sơ Pandora xuất bản, các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra một dự luật có tên "Enablers Act" (tạm dịch: Đạo luật Những người ban hành), tại đó yêu cầu các luật sư, công ty tài chính, quỹ đầu tư và các công ty ủy thác phải điều tra sàng lọc những khách hàng từ nước ngoài đang tìm cách chuyển tiền qua hệ thống tài chính Mỹ. Tháng 6/2022, "Enablers Act" đã được thêm vào Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) để theo dõi nhanh dự luật và tăng đáng kể khả năng "Enablers Act" sẽ được ban hành.

Hỗ trợ báo chí điều tra là khoản đầu tư tốt nhất

Bà Samantha Power, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), đã nhắc tới Hồ sơ Pandora cũng như sự hợp tác truyền thông trước đó của ICIJ - Hồ sơ Panama - khi thảo luận về “những sáng kiến cho phép các nhà báo làm việc cùng nhau xuyên biên giới để ráp lại những mảnh ghép của các vụ bê bối tham nhũng rộng lớn trên toàn cầu”.

Tháng 9 vừa qua, USAID đã ban hành một hướng dẫn dài 84 trang để chống lại chế độ kleptocracy (chế độ chính trị tham nhũng, nơi mà chính phủ tồn tại để làm giàu cá nhân và gia tăng thế lực chính trị của các thành viên chính phủ).

Theo USAID, “hỗ trợ báo chí điều tra thường là khoản đầu tư tốt nhất có thể cho sự phát triển của một quốc gia bị bao vây bởi chế độ kleptocracy. Báo cáo độc lập tiết lộ sự thật về tham nhũng cung cấp thông tin và động lực quan trọng mà người dân và chính quyền cần để thúc đẩy chính phủ thực sự phục vụ nhân dân”.

Hướng dẫn này cũng đề cập đến sự hợp tác của Hồ sơ Pandora, lưu ý rằng, trong khi các nhà báo “theo truyền thống bảo vệ những câu chuyện [mang tính độc quyền] của họ khỏi các nhà báo cạnh tranh, cộng tác viên trong các dự án của ICIJ lại chia sẻ triệt để những phát hiện với nhau qua các kênh an toàn nhằm hoàn thiện công việc của nhau trước khi xuất bản”.

Bên cạnh việc khẳng định cuộc điều tra Hồ sơ Pandora là một mô hình để chống tham nhũng, nhiều cơ quan chính phủ trên toàn cầu cũng tiếp tục công việc thực thi pháp luật và triển khai các cuộc điều tra được khơi nguồn từ phát hiện của các đối tác truyền thông.

Cũng trong tháng 9, tờ Financial Express (Ấn Độ) có bài viết cho biết, Đơn vị Tình báo Tài chính của Chính phủ (FIU) đến nay đã gửi 160 yêu cầu tới các đối tác ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ khác liên quan đến những người Ấn Độ có tên trong Hồ sơ Pandora và đã nhận được 125 phản hồi.

Tờ báo cho biết, thông tin mà FIU nhận được bao gồm chi tiết về các tài khoản ngân hàng nước ngoài; đầu tư của các tổ chức nước ngoài; và danh tính của các cá nhân kiểm soát quỹ tín thác ở nước ngoài.

Cuối tháng 9, Ủy ban Phát triển của Nghị viện Châu Âu đã đưa ra dự thảo về “những bài học kinh nghiệm từ Pandora Papers và những tiết lộ khác”. Tại đó, thúc giục một cơ quan thuộc Nghị viện khác là Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tiền tệ tố cáo "sự tồn tại của một hệ thống tài chính nước ngoài mờ ám với các văn phòng trên toàn thế giới", và nhấn mạnh rằng "các hoạt động được đưa ra ánh sáng bởi những tiết lộ của Pandora Papers" đã có "tác động nghiêm trọng" đối với các nước đang phát triển.

Ở Mỹ Latinh, Hồ sơ Pandora đã khiến một số cựu nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo nhà nước đương nhiệm, cũng như ứng cử viên tổng thống mất tín nhiệm, phải đối mặt với các cuộc điều tra.

Tại Chile, tháng 11/2021, Hạ viện đã thông qua việc luận tội Tổng thống khi đó là Sebastian Pinera - một trong những người giàu nhất Chile - liên quan đến Hồ sơ Pandora.

Thượng viện sau đó đã bỏ phiếu bác việc luận tội. Một cuộc điều tra riêng biệt của công tố viên quốc gia Chile đang chờ xử lý.

Tại Ecuador, Văn phòng Công tố quốc gia tiếp tục điều tra các mối liên hệ của Tổng thống Guillermo Lasso với một công ty ở Mỹ.

Tại Honduras, các cử tri đã phản đối Nasry Asfura, ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền, sau khi các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ lợi ích của ông trong các công ty bí mật ở Panama.

Dựa trên thông tin được công bố trên Hồ sơ Pandora, Cơ quan Thuế Chile ngày 3/10 cho biết, đã tiến hành 18 cuộc kiểm toán và 33 cuộc xem xét tính tuân thủ. Các cuộc điều tra đang trong quá trình xử lý.

Hoài Phương