Phiên tòa xét xử tham nhũng

Trước đó, ngày 29/6, Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã kết án ông Zuma 15 tháng tù giam sau khi ông từ chối trình diện trước các nhà điều tra tham nhũng vào đầu năm nay.

Phán quyết này của tòa đã làm bùng lên các cuộc biểu tình phản đối ở tỉnh KwaZulu-Natal, quê hương của ông Zuma.

Cuộc biểu tình sau đó đã biến thành cuộc bạo loạn với những vụ cướp bóc và đốt phá kéo dài 1 tuần, thậm chí còn lan tới Johannesburg, trung tâm tài chính của Nam Phi, khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Phiên tòa vào ngày 19/7 được cảnh báo có thể làm bùng phát trở lại tình hình căng thẳng như tuần trước mà khó khăn lắm mới có thể tạm lắng dịu.

Ông Zuma phải đối mặt với 16 cáo buộc gian lận, tham nhũng và lừa đảo liên quan đến thương vụ mua máy bay chiến đấu, tàu tuần tra và thiết bị quân sự năm 1999 với 5 công ty vũ khí châu Âu khi ông còn là Phó Tổng thống Nam Phi.

Cựu lãnh đạo bị cáo buộc nhận hối lộ từ 1 trong 5 công ty này - gã khổng lồ quốc phòng Pháp Thales - đã bị buộc tội tham nhũng và rửa tiền.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Nam Phi vào năm 2009, ông Zuma gặp nhiều rắc rối liên quan đến các cáo buộc tham nhũng.

Vào tháng 2/2018, ông buộc phải từ chức Tổng thống. 1 tháng sau đó, Trưởng Công tố Nhà nước Nam Phi Shaun Abrahams quyết định truy tố ông với 16 tội danh…

Và, sau nhiều lần trì hoãn, phiên tòa xét xử ông Zuma đã chính thức diễn ra vào tháng 5/2021 vừa qua. Đội ngũ pháp lý của ông đã cố thuyết phục bên công tố rút lại các cáo buộc đã đưa ra trước đó hoặc giảm nhẹ cáo buộc.

Ông Zuma 79 tuổi đã đích thân xuất hiện trong buổi khai mạc phiên tòa và nói rằng mình vô tội.

Tại tòa, phía Thales cũng không nhận tội.

Sự ổn định của Nam Phi bị đe dọa

Trước tình trạng bạo động khiến hàng trăm người thiệt mạng những ngày qua, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa - người khi nhậm chức đã hứa hành động mạnh mẽ để hạn chế tình trạng tham nhũng tràn lan - nói rằng, đây là một "cuộc tấn công có âm mưu và được lên kế hoạch kỹ lưỡng" nhằm vào nền dân chủ non trẻ của đất nước.

“Lấy cớ là một bất bình chính trị, những kẻ đứng sau những hành vi này đã tìm cách kích động một cuộc nổi dậy của quần chúng”, ông Ramaphosa cho biết.

Sự ổn định của đất nước Nam Phi đang thực sự bị đe dọa. "Mọi người sẽ theo dõi hành động của các thẩm phán... Nếu họ cảm thấy công lý không được thực thi, họ sẽ phản đối", Sipho Seepe, một nghiên cứu sinh của Đại học Zululand ở KwaZulu-Natal, nói.

Phiên điều trần hôm 19/7 tập trung vào đơn mà nhóm pháp lý của ông Zuma đệ trình, yêu cầu Trưởng Công tố Billy Downer không tiếp tục tham gia vụ án với tuyên bố cho rằng, ông đã làm rò rỉ thông tin cho giới truyền thông.

Theo Mthunzi Mhaga - Phát ngôn viên Cơ quan Công tố Nhà nước, phiên tòa được xét xử trực tuyến để "tránh bị gián đoạn", khi những người ủng hộ ông Zuma vẫn có khả năng tập trung trước Tòa án Tối cao Pietermaritzburg để thể hiện sự ủng hộ, như họ đã từng làm trong các phiên điều trần trước đây.

Trong khi đó, các luật sư của ông Zuma cho rằng, phiên tòa "ảo" là vi hiến và đã nộp đơn xin hoãn phiên tòa.

Cựu Tổng thống Zuma và những người ủng hộ ông đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc, cho rằng các cuộc điều tra là có động cơ chính trị và cảnh báo việc bỏ tù ông sẽ gây ra bất ổn.

Họ phủ nhận việc đứng sau những vụ bạo động gần đây.

Ngành Tư pháp Nam Phi "vượt bão"

Ông Zuma được cho là đang tìm cách đảo ngược án tù 15 tháng của mình vì tội bất tuân theo lệnh của Tòa án Hiến pháp để làm chứng trước một hội đồng tư pháp điều tra hành vi đục khoét kho bạc nhà nước trong suốt 9 năm cầm quyền.

Hầu hết các hành vi vi phạm mà ủy ban điều tra liên quan đến 3 anh em từ một gia đình kinh doanh giàu có ở Ấn Độ, Guptas, người đã giành được các hợp đồng Chính phủ béo bở và được cho là được phép chọn các bộ trưởng trong Nội các.

Trong vụ việc kéo dài này, ông Zuma chỉ ra làm chứng 1 lần vào tháng 7/2019.

Mặc dù Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền của Nam Phi đã buộc ông Zuma từ chức vào năm 2018 sau khi dính vào bê bối tham nhũng, nhưng ông vẫn giữ được sự ủng hộ nhiệt thành trong một bộ phận ANC và người dân nói chung. Zuma được nhiều người coi là "lãnh đạo của nhân dân" và là người bảo vệ người nghèo.

Ralph Mathekga, tác giả của cuốn "When Zuma Goes", nói rằng các thẩm phán trong vụ án tham nhũng sẽ không cúi đầu trước "áp lực chính trị".

Ông nói với AFP rằng: “Không truy tố ông Zuma sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến pháp quyền. Ngành Tư pháp sẽ phải vượt qua cơn bão".

Hoài Phương