Vào ngày 4/8/2020, vụ nổ kinh hoàng trong một kho chứa hóa chất đã phá hủy phần lớn trung tâm Thủ đô Beirut của Lebanon. Nhiều khu phố bị phá hủy, trung tâm Beirut trông như một vùng chiến sự. Hàng nghìn người bị thương và khoảng 200 người đã thiệt mạng. Đối với nhiều người, tài sản và sinh kế của họ đã bị thổi bay theo đúng nghĩa đen.

Khi vụ nổ kinh hoàng xé toạc Cảng Beirut, Najat Rochdi - Điều phối viên Thường trú và Nhân đạo của Liên hợp quốc tại Lebanon vừa đảm nhiệm vị trí được 3 ngày.

Bà Rochdi cho biết, vụ nổ đã làm gia tăng đau khổ ở Lebanon, vốn đã quay cuồng với tình trạng bất ổn dân sự, khó khăn về kinh tế và tài chính, gia tăng nghèo đói và thất nghiệp, cộng thêm bế tắc chính trị và số vụ COVID-19 tăng vọt.

1 năm kể từ thảm họa này, khó khăn ngày càng sâu sắc và sự thất vọng ngày càng chồng chất. "Tôi đã gặp gỡ nhiều người Lebanon. Họ đã lên tiếng và đối mặt với những thiếu thốn, nghịch cảnh mà rất nhiều người đang phải trải qua ở đất nước này", bà Rochdi chia sẻ.

Đó là trường hợp của Youssef, một người đàn ông vô gia cư 59 tuổi, với ước mơ có một mái nhà che đầu và cánh cửa có thể đóng lại khi ngủ. Hay Cathy, 15 tuổi, có mong muốn sở hữu một chiếc điện thoại di động để có thể học trực tuyến.

Và đó là Mirna, một giáo viên 50 tuổi từng là trụ cột cho gia đình, nhưng giờ chỉ có thể trang trải một bữa ăn mỗi ngày, bà buộc phải nhờ người khác giúp đỡ cho cuộc sống của mình.

leftcenterrightdel

Najat Rochdi (giữa ảnh) - Điều phối viên Thường trú và Nhân đạo của Liên hợp quốc tại Lebanon gặp gỡ phụ nữ ở Karantina, một trong những vùng lân cận bị thiệt hại do vụ nổ Cảng Beirut. Ảnh: LHQ Lebanon / Nayla Hajjar

Nhng s hỗ trợ

Ngay sau khi các vụ nổ xảy ra, các tổ chức cũng như đối tác của Lebanon đã phản ứng nhanh chóng để cứu sống và hỗ trợ khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng.

Những hỗ trợ này đã được đến với các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe để tiếp tục các dịch vụ cơ bản, bao gồm liên quan đến COVID-19. Thiệt hại về nhà cửa đã được đánh giá và phân phát bộ dụng cụ trú ẩn khẩn cấp để đảm bảo an toàn và bảo vệ ngay lập tức; kết nối nguồn nước, bao gồm cả máy bơm và bể chứa, đã được thiết lập lại... Bên cạnh đó, các dịch vụ bảo vệ và dịch vụ hỗ trợ tâm lý - xã hội, sức khỏe tâm thần cũng được cung cấp; các nguồn lực được phân bổ cho nỗ lực rà phá các mảnh vỡ...

Liên hợp quốc cùng với Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB) và với sự tham vấn của các bên liên quan, đã xây dựng Chương trình Cải cách, Phục hồi và Tái thiết, được biết đến với tên gọi 3RF. Đây là một chương trình lấy con người làm trung tâm, với các ưu tiên hướng tới tương lai, bao gồm hòa nhập và bảo vệ xã hội; cải tạo nhà ở và di sản văn hóa; dịch vụ đô thị và môi trường; phục hồi kinh doanh.

Hàng nghìn người đã nhận được hỗ trợ pháp lý để giải quyết các khiếu nại phát sinh từ vụ nổ. Một số tòa nhà công cộng đã được trang bị thêm công nghệ xanh, các cơ sở y tế đã nhận được các thiết bị y tế quan trọng. Một số trường học và cơ sở y tế đã được xây dựng lại hoặc phục hồi một phần. Bằng cách này, Lebanon đang bắt đầu quá trình lâu dài và gian khổ để xây dựng trở lại tốt đẹp hơn.

leftcenterrightdel

Liên hợp quốc ước tính, hơn 1 triệu người Lebanon cần cứu trợ để trang trải các nhu cầu cơ bản. Ảnh: UNDP Lebanon

Sự phục hồi phải đồng thời với cải cách

Theo bà Najat Rochdi, những hỗ trợ khẩn cấp không phải là giải pháp, mà sự phục hồi của Lebanon phải gắn liền với cải cách.

Thế nhưng, các nhà lãnh đạo của Lebanon đã không thể đạt được thỏa thuận về việc thành lập Chính phủ mới trong 10 tháng qua, điều này đã làm trì hoãn những cải cách cấp thiết để giải quyết vô số thách thức của đất nước.

"Đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử của Lebanon. Quy mô tổng hợp, chiều sâu, tính đa chiều của các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội và nhân đạo mà Lebanon phải đối mặt là chưa từng có", bà Rochdi nói và cho biết, 1 năm trôi qua, tình hình Lebanon tiếp tục xấu đi.

Sau thảm họa kinh hoàng, cú sốc đã nhường chỗ cho sự tức giận, khi người dân địa phương tố cáo về sự quan liêu, vô trách nhiệm, dẫn đến vụ nổ lẽ ra có thể hoàn toàn tránh được.

Người dân Lebanon đã kêu gọi thay đổi. Nhưng công cuộc "đại tu" hệ thống chính trị trong nước đã không đạt kết quả.

leftcenterrightdel
 Lực lượng Lâm thời Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL) đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ nổ phá hủy Cảng Beirut. Ảnh: UN / Pasqual Gorriz

Sau vụ nổ, Chính phủ Lebanon từ chức, nhưng tới nay, các nhà lãnh đạo Lebanon vẫn chưa thể thống nhất về một Chính phủ mới và cuộc điều tra chính thức về vụ nổ thậm chí chưa có kết quả và kết luận. Lebanon đang chìm sâu hơn vào khủng hoảng trong bối cảnh lạm phát, thất nghiệp, tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu tăng cao. Một nửa dân số của quốc gia này hiện đang sống dưới mức nghèo khổ.

Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là sự tham nhũng. Sau vụ nổ ở Cảng Beirut, ông Hassan Diab, người đang giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền, chỉ trích giới tinh hoa chính trị Lebanon tạo nên “cơ cấu tham nhũng vượt lên trên nhà nước”.

Liên hợp quốc đang phát triển Kế hoạch ứng phó khẩn cấp kéo dài 12 tháng, nêu rõ các phản ứng ưu tiên tập thể đối với các nhu cầu nhân đạo quan trọng của những người Lebanon dễ bị tổn thương nhất và những người di cư bị ảnh hưởng.

Thế nhưng, đây không phải là một giải pháp. Kế hoạch nhằm mục đích liên kết và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi hướng tới các giải pháp để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng ở Lebanon, vốn sẽ chỉ đến từ cải cách cơ cấu và các can thiệp phát triển bền vững, toàn diện do Chính phủ nước này lãnh đạo.

Hoài Phương