Đảng Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban đã thông qua sửa đổi Bộ luật Hình sự, thiết lập thủ tục mới liên quan đến các tội hình sự trong quản lý tài sản công, đồng thời cho phép xem xét lại tư pháp trong trường hợp cuộc điều tra bị khép lại mà không có bản cáo trạng hoặc báo cáo tội phạm bị bác bỏ.

Nghị viện đã thông qua dự luật với 136 thành viên bỏ phiếu đồng ý, 7 người bỏ phiếu chống và 14 người bỏ phiếu trắng.

Đạo luật trên là một trong 17 cam kết mà Chính phủ của Thủ tướng Orban đề xuất với Ủy ban châu Âu để ngăn chặn việc mất bất kỳ khoản tài trợ nào của Liên minh châu Âu (EU).

Việc Hungary buộc phải đáp ứng các yêu cầu của EU được xem là bước đi bất đắc dĩ Budapest phải thực hiện, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Hungary có nhiều dấu hiệu suy yếu với chi phí năng lượng, lạm phát gia tăng và tiền tệ thấp đến mức kỷ lục.

Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Hungary hiện xếp hạng thấp nhất trong EU sau Bulgaria, với thứ hạng liên tục giảm dưới sự điều hành của  Thủ tướng Orban. Trong hơn một thập kỷ cầm quyền, ông Orban đã thắt chặt quyền kiểm soát của nhà nước đối với truyền thông, tòa án, tổ chức phi chính phủ... Đồng thời, hạn chế quyền của phụ nữ, người đồng tính và người di cư...

Hungary sẽ có thêm thời gian tới ngày 19/11, để chứng minh nỗ lực trong giám sát việc sử dụng các quỹ của EU cũng như các bước làm cho quy trình lập pháp minh bạch hơn. Nếu không, EU dự kiến sẽ thông qua việc cắt 7,5 tỷ euro viện trợ cho Hungary, khoảng 5% so với ước tính GDP năm 2022. Khi điều này xảy ra, theo tính toán của các nhà nghiên cứu châu Âu, đồng forint của Hungary - vốn đã mất giá 8% trong năm nay - gần như chắc chắn sẽ mất giá hơn nữa, làm phức tạp thêm nỗ lực kiềm chế lạm phát.

 

Hà Thu