Cầu Padma dài 6,51km bắc qua sông Padma có chi phí xây dựng ước tính khoảng 3,6 tỷ USD và được trích từ nguồn ngân sách nhà nước sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan cho vay quốc tế khác từ chối hỗ trợ dự án bởi bê bối tham nhũng liên quan tới một công ty xây dựng Canada.

Năm 2012, sau khi phát hiện những dấu hiệu tham nhũng từ dự án xây dựng cầu bắc qua sông Padma liên quan tới Công ty Xây dựng Canada SNC-Lavalin, WB đã quyết định không hỗ trợ khoản vốn 1,2 tỷ USD cho việc xây dựng cây cầu. Tiếp đó, các cơ quan cho vay quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo cũng quyết định rút khỏi dự án.

Khi ấy, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phải tuyên bố, quốc gia này sẽ trích ngân sách nhà nước để xây dựng cây cầu.

Năm 2017, các cáo buộc tham nhũng đã được đưa ra tại Tòa án Ontario, Canada. Thế nhưng, kết quả, 3 cựu Giám đốc Điều hành của SNC-Lavalin được tuyên trắng án.

Liên quan tới việc xây dựng cây cầu, Thủ tướng Hasina cũng bị cựu Thủ tướng Khaleda Zia chỉ trích có tham nhũng. Tuy nhiên ông Hasina đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc.

Việc khánh thành cầu Padma được cho là đánh dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử quốc gia Nam Á này. Bỏ qua những "tai tiếng" trong quá khứ, cây cầu được mệnh danh là "biểu tượng của niềm tự hào dân tộc". Cầu Padma cũng được gọi là một “kỳ công kỹ thuật”, khi các chuyên gia cho rằng, Padma là con sông “nguy hiểm và khó lường” chỉ sau sông Amazon của Nam Mỹ.

Sau khi đưa vào sử dụng, cây cầu sẽ giúp cho việc đi lại giữa Thủ đô Dhaka và cảng biển lớn thứ 2 Bangladesh là Mongla được thuận tiện và rút ngắn thời gian hơn.

Các quan chức Bangladesh cho biết, cây cầu kết nối ít nhất 21 quận ở các khu vực miền Nam và Tây Nam Bangladesh kém phát triển.

Theo dự báo của các nhà kinh tế, cây cầu này sẽ giúp tăng GDP của Bangladesh thêm 1,3% mỗi năm; trong khi ADB dự báo, nền kinh tế Bangladesh sẽ tăng trưởng 6,9% trong giai đoạn 2021 - 2022 và 7,1% trong giai đoạn 2022 - 2023.

Đức Anh