Hồ sơ Pandora là dự án điều tra quy mô lớn của Hiệp hội Các Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Hơn 600 nhà báo ở 117 quốc gia đã dành thời gian 2 năm để phân tích những tài liệu bị rò rỉ từ 14 nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp - tất cả đều có trụ sở tại các khu vực pháp lý có mức độ bí mật tài chính cao.

Các tài liệu mật được cho là đã làm lộ rõ việc các quan chức cấp cao, nhà tài phiệt và tỷ phú sử dụng những công ty vỏ bọc để chuyển của cải ra nước ngoài và mua bất động sản hoặc hàng hóa xa xỉ một cách ẩn danh.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), "trên phạm vi toàn cầu, Hồ sơ Pandora phải tạo ra một động lực mới để chấm dứt tình trạng lạm dụng công ty ẩn danh kéo dài hàng thập kỷ và thúc đẩy những người ra quyết định đang do dự vào cuộc".

Cũng theo TI, các cuộc điều tra diễn ra vào thời điểm thế giới đang tiến gần hơn đến tiêu chuẩn toàn cầu mới về tính minh bạch của doanh nghiệp. Các thành viên Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) nên sử dụng cơ hội quan trọng này để yêu cầu đăng ký công khai chủ sở hữu lợi ích của công ty ở tất cả quốc gia.

Đồng thời, mỗi nước liên quan nên thực hiện những bước đi mang tính quyết định để giải quyết các dòng tiền bẩn.

TI nhấn mạnh 10 quốc gia cần hành động, đó là:

1. BRAZIL

Khu vực châu Mỹ Latinh không nằm ngoài Hồ sơ Pandora, với 14 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và trước đây, cùng nhiều chính trị gia cấp cao của chính phủ có liên quan đến những phát hiện gây thất vọng lớn trong vụ rò rỉ tài liệu này.

Một trong những cái tên đáng chú ý là Paulo Guedes, khi còn đương chức Bộ trưởng Kinh tế Brazil, đã nắm giữ một công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) với gần 10 triệu USD đầu tư vào tài khoản Crédit Suisse ở New York.

Với tư cách là người đứng đầu Bộ Kinh tế Brazil, Guedes đã đưa ra các chính sách tài chính và tiền tệ, trong đó có quyết định chuyển ngưỡng tối thiểu của mức báo cáo thuế đối với những người có khoản đầu tư ra nước ngoài từ 100.000 USD lên 1 triệu USD và đề xuất giảm thuế đối với việc hồi hương các quỹ nước ngoài.

Khi Hạ viện của Brazil triệu tập Paulo Guedes để giải trình, TI Brazil kêu gọi minh bạch hơn đối với những người hưởng lợi thực sự của các công ty nước ngoài cũng như cải cách chế độ kê khai tài sản của đất nước, để đảm bảo công chúng có thể tham gia xem xét kỹ lưỡng khả năng xung đột lợi ích do những người thay mặt họ đưa ra quyết định.

2. CỘNG HÒA SÉC

Hồ sơ Pandora chỉ ra rằng, năm 2009, Thủ tướng Andrej Babis đã mua 1 lâu đài trị giá 22 triệu USD gần TP Cannes, Pháp, cùng 1 rạp chiếu phim và 2 bể bơi thông qua các công ty bình phong.

Đó là những công ty offshore (công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài), chuyên hỗ trợ các cá nhân và tập đoàn giàu có mở công ty ma, quỹ tín thác và thực thể tài chính khác ở những vùng lãnh thổ đánh thuế thấp hoặc miễn thuế. Hình thức này giúp chủ tài sản che giấu danh tính thực và né tránh sự giám sát của cơ quan chức năng, cũng như không phải nộp khoản thuế lớn cho nước sở tại.

Ông Babis đã không liệt kê các công ty bình phong và lâu đài ở Pháp trong bản kê khai tài sản mà ông có nghĩa vụ phải nộp.

TI Cộng hòa Séc đang kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về các giao dịch.

3. LEBANON

Khó có thể hình dung được những tiết lộ về sự giàu có của các chính trị gia và doanh nhân Lebanon vào thời điểm đất nước này phải vật lộn với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tồi tệ nhất. Trong số đó có tân Thủ tướng Najib Mikati.

Theo các tài liệu, một công ty tại Monaco của ông Mikati đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hessville Investment - công ty offshore ở Panama cũng thuộc sở hữu của ông. Năm 2008, Hessville Investment đã mua bất động sản ở Monaco với giá hơn 10 triệu USD.

Thủ tướng Lebanon đã tuyên bố, tài sản của ông đã được tích lũy trước khi tham gia vào chính trường Lebanon và Hội đồng Hiến pháp Lebanon đã nắm được số tài sản này.

Hiệp hội Minh bạch Lebanon nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc điều tra đối với tài sản của các công ty và xác định nguồn gốc của chúng. Tổ chức này kêu gọi tịch thu và thu hồi các khoản tiền có được từ tham nhũng (nếu có) và áp thuế nếu các cá nhân có tên trong Hồ sơ Pandora không kê khai những tài sản này ở Lebanon.

leftcenterrightdel

Ảnh: ICIJ 

4. NIGERIA

Một cuộc điều tra của Finance Uncovered and Premium Times cho thấy, hơn 100 người Nigeria giàu quyền lực đã sử dụng các công ty ẩn danh để mua bất động sản với tổng trị giá 350 triệu bảng Anh ở Vương quốc Anh từ năm 1990. Các quan chức cấp cao hiện tại và trước đây, gồm các bộ trưởng và thống đốc bang, được cho là có tên trong danh sách.

Những giao dịch bí mật của các chủ sở hữu quyền lực Nigeria trước đây đã được báo cáo trong phạm vi cuộc điều tra Hồ sơ Panama và Hồ sơ FinCEN.

TI Nigeria cho rằng, Chính phủ Nigeria cần điều tra những tiết lộ của Hồ sơ Pandora bất kể đảng phái chính trị của các cá nhân; đồng thời, xem xét kỹ lưỡng việc kê khai tài sản. Để có thể khởi tố thích đáng những trường hợp này, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các đối tác ở những quốc gia khác và trao đổi thông tin.

5. SRI LANKA

Thirukumar Nadesan là chồng của bà Nirupama Rajapaksa - cựu nghị sĩ và cựu Thứ trưởng Cấp thoát nước, đồng thời là hậu duệ của gia tộc Rajapaksa, vốn cầm quyền tại Sri Lanka trong nhiều năm.

Các tài liệu mật cho thấy, ông Nadesan là chủ sở hữu lợi ích của các công ty vỏ bọc được sử dụng để mua nhiều bất động sản sang trọng ở Australia, ở Anh, cũng như 1 bộ sưu tập nghệ thuật, được lưu trữ tại cảng tự do Geneva, ước tính trị giá hơn 4 triệu USD.

Cặp đôi quyền lực này đã tính đến sự giúp đỡ của Asiaciti Trust - một nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore - để thành lập những công ty vỏ bọc trong các khu vực pháp lý bí mật và công ty ở New Zealand để chuyển tiền qua các quốc gia, và thậm chí xin cấp "hộ chiếu vàng" ở Síp.

TI Sri Lanka đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Chống hối lộ, yêu cầu điều tra về sự giàu có không giải trình được của Nadesan và Nirupama Rajapaksa; đồng thời, kêu gọi các nhà chức trách đảm bảo các cuộc điều tra độc lập được thực hiện.

6. AUSTRALIA

Hồ sơ Pandora tiết lộ, cặp đôi quyền lực của Sri Lanka là Thirukumar Nadesan và Nirupama Rajapaksa, đã sử dụng một công ty có đăng ký tại Samoa để mua bất động sản ở Australia.

Luật Chống rửa tiền yếu kém của Australia không yêu cầu những người "gác cổng tài chính" (luật sư, kế toán và đại lý bất động sản) đặt câu hỏi về nguồn gốc của tiền và báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan chức năng.

Do đó, một lượng lớn quỹ bất hợp pháp có thể được che giấu và tích hợp vào nền kinh tế hợp pháp thông qua lĩnh vực bất động sản. Điều này đã làm cho thị trường bất động sản của đất nước trở nên hấp dẫn đối với tiền mặt đáng ngờ, theo TI Australia.

7. NEW ZEALAND

New Zealand được biết đến là thiên đường cho những người nước ngoài có thể trốn thuế và che giấu danh tính của họ.

Kể từ năm 2017, các công ty thuộc sở hữu nước ngoài đã phải tiết lộ danh tính của những người thụ hưởng và thông tin cơ bản về tài sản của họ cho chính quyền. Quy định này dẫn đến việc thiết lập sổ đăng ký công ty nước ngoài và yêu cầu cung cấp chứng thư ủy thác, thông tin chi tiết về người chuyển nhượng, người thụ hưởng và bản sao tài khoản.

Sự thay đổi luật này đã dẫn đến việc giảm 75% số lượng công ty nước ngoài đăng ký vào năm 2020. TI New Zealand đang kêu gọi cải cách hơn nữa hệ thống quản trị doanh nghiệp.

8. PANAMA

Trong số 14 nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp có trong Hồ sơ Pandora, 2 nhà cung cấp có trụ sở tại Panama. Theo Libertad Ciudadana (đại diện TI tại Panama), tiết lộ mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục triển khai sổ đăng ký quyền sở hữu lợi ích sau 18 tháng trì hoãn.

Các nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong khuôn khổ chống rửa tiền của Panama vì họ đóng vai trò là “các đại diện thường trú”. Các công ty nước ngoài được thành lập ở Panama cần một đại diện thường trú và có nghĩa vụ xác định những chủ sở hữu lợi ích thực sự đứng sau các công ty.

Tuần qua, EU tuyên bố, Panama sẽ vẫn bị liệt vào danh sách đen "thiên đường thuế bất hợp tác".

9. ANH

Hồ sơ Pandora một lần nữa cho thấy thị trường bất động sản của Anh là “nam châm” hút tiền bẩn. Dữ liệu bị rò rỉ tiết lộ tên của các quan chức cấp cao nước ngoài, các cá nhân bị cáo buộc tham nhũng và các nhà tài trợ chính trị của Anh sở hữu khối bất động sản trị giá hơn 7 tỷ USD thông qua những công ty ẩn danh.

TI Anh kêu gọi nhanh chóng xem xét, giải quyết lỗ hổng pháp luật cho phép các cá nhân mua và bán tài sản ở Anh một cách ẩn danh bằng cách sử dụng những công ty được đăng ký tại các khu vực pháp lý bí mật.

10. M

Hồ sơ Pandora đã cho thấy một số bang của Mỹ bao gồm Delaware, Florida, South Dakota, Nevada và New Hampshire, nổi lên như những điểm nóng toàn cầu cho những người tìm cách che giấu tài sản và trốn thuế.

Pandora Papers tiết lộ 206 công ty đóng tại 15 tiểu bang khác nhau của Mỹ nắm giữ tài sản hơn 1 tỷ USD. Trong đó, một số tài sản được báo cáo có liên quan đến những người hoặc công ty bị nghi ngờ tham nhũng hoặc gian lận.

TI Mỹ đang kêu gọi Bộ Tài chính nước này đóng lỗ hổng bảo mật đối với các công ty bằng cách ban hành quy tắc thực hiện Đạo luật Minh bạch doanh nghiệp mang tính bước ngoặt, yêu cầu tất cả công ty phải báo cáo chủ sở hữu thực sự, không có trường hợp miễn trừ.

Bên cạnh đó, những người "gác cổng" như luật sư, cố vấn đầu tư, kế toán và nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp hiện không có nghĩa vụ phải tiến hành thẩm định khách hàng của họ, xác định nguồn tiền hoặc báo cáo hành vi đáng ngờ cho cơ quan chức năng. Mỹ cũng nên khắc phục lỗ hổng lớn này và mở rộng các nghĩa vụ chống rửa tiền cho lực lượng hỗ trợ chuyên nghiệp nêu trên.

Hoài Phương