Theo Reuters, cơ chế xử phạt mới của Ủy ban châu Âu (EC) là một việc làm chưa từng có tiền lệ.

Ông Vera Jourova, Phó Chủ tịch EC phụ trách các vấn đề giá trị và minh bạch cho biết: “Chúng tôi đã xác định các vấn đề có thể vi phạm pháp quyền ở Hungary và ảnh hưởng đến ngân sách của EU. Hungary cần phải đưa ra lời hồi đáp cho những mối quan ngại của chúng tôi và đề xuất các giải pháp".

Theo các quan chức cấp cao của EU, vụ việc tập trung vào những lỗ hổng hệ thống trong hoạt động mua sắm công của Hungary dẫn tới những hành vi đấu thầu đơn lẻ, xung đột lợi ích và nảy sinh nguy cơ tham nhũng.

Các quan chức chia sẻ về "mối quan ngại nghiêm trọng" trong hoạt động quản lý quỹ EU của Hungary và trong vấn đề kiểm soát chi tiêu của Chính phủ ông Orban, bởi vẫn tồn tại những hạn chế trong quá trình điều tra và truy tố độc lập.

Theo Văn phòng Chống gian lận của EU (OLAF), Hungary đã có những bất thường trong hơn 4% chi tiêu từ các quỹ EU trong thời gian từ năm 2015 - 2019, so với mức trung bình của EU là 0,36%. Theo EC, Hungary cũng có mức điều chỉnh tài chính cao nhất trong lịch sử các quỹ cơ cấu của EU vào năm 2019.

Budapest vẫn chưa khắc phục được vấn đề trên. Các quan chức EU cho biết, việc tiến hành sửa chữa không thể giải quyết sai phạm trong các nguyên tắc dân chủ liên tục hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, EU đã từ chối nêu cụ thể những khoản mà Hungary sẽ phải gánh chịu.

Chánh Văn phòng Thủ tướng Orban, ông Gergely Gulyas cho biết trong một video trên Facebook rằng, Chính phủ Hungary sẽ nghiên cứu bức thư của EC và sẽ đưa ra phản hồi chi tiết.

Hungary có 2 tháng để trả lời thư từ Brussels và sẽ mất thêm vài tháng để trao đổi trước khi EC đề nghị các quốc gia trong khối chấp thuận việc ngừng tài trợ cho Budapest.

Khánh Linh (Theo Reuters)