Chiều 8/9 giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch EP David Sasoli.

Tại hội đàm, hai bên đã trao đổi hàng loạt vấn đề nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai Nghị viện, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) phát triển mạnh mẽ vì lợi ích của cả hai bên.

Về hợp tác chống COVID -19, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cảm ơn EP, đại diện các cơ quan hữu quan của EU và các nhóm nghị sỹ tại EP đã đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam phòng chống dịch; chia sẻ quan điểm của EP rằng “chỉ có đoàn kết, sẻ chia và niềm tin quyết thắng” sẽ giúp nhân dân sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh và trở lại cuộc sống bình thường mới.

Đặc biệt do COVID -19 ngày càng phức tạp, đòi hỏi tăng cường hợp tác liên khu vực (ASEAN - EU) và toàn cầu để tiếp tục bảo vệ các thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn EP tích cực hỗ trợ nguồn cung vaccine từ châu Âu qua cơ chế COVAX, chia sẻ vaccine “dôi dư”, hỗ trợ cung cấp vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị COVID -19, hợp tác sản xuất vaccine. Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt để có thể trở thành trung tâm sản xuất vaccine ở khu vực.

Ông cũng đề nghị EP ủng hộ gỡ “thẻ vàng” thủy sản IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) với Việt Nam; có tiếng nói để nghị viện các nước chưa phê chuẩn EVIPA sớm phê chuẩn hiệp định quan trọng này nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của doanh nghiệp…

leftcenterrightdel
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương ĐÌnh Huệ, COVID -19 ngày càng phức tạp, đòi hỏi tăng cường hợp tác liên khu vực (ASEAN - EU) và toàn cầu để tiếp tục bảo vệ các thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Doãn Tấn

Ghi nhận các đề xuất của Việt Nam, Chủ tịch EP David Sasoli khẳng định EVFTA là mô hình hợp tác mẫu mực và cho biết EP đang thúc đẩy Nghị viện các quốc gia thành viên còn lại phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU (EVIPA).

EP chia sẻ những khó khăn của Việt Nam hiện nay và sẽ nỗ lực vận động vaccine cùng các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống COVID -19 của Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí trong bối cảnh đại dịch, hai bên vẫn duy trì tiếp xúc thông qua hình thức trực tuyến với các cuộc họp trao đổi về triển khai EVFTA và các vấn đề quốc tế. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn các cấp, trao đổi, thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động Nghị viện, trong đó có công tác lập pháp.

Về các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và hợp tác trên thế giới, Quốc hội Việt Nam và EP nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp và duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ và đóng góp tích cực cho các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới.

Trong chương trình thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: Doãn Tấn

Tại buổi hội kiến, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn EU đã ủng hộ 2,4 triệu liều vaccine và giúp đỡ Việt Nam phòng chống dịch COVID -19.

Trong trao đổi, hai bên nhất trí cần tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hơp tác. Trước mắt tạo điều kiện để thực thi hiệu quả EVFTA, thúc đẩy các thành viên phê chuẩn EVIPA.

EU cũng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó COVID -19, trong đó có việc viện trợ và hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine cũng như thuốc điều trị và trang thiết bị y tế…

Hai bên khẳng định sẽ cùng nhau trao đổi để giải quyết một số tồn tại như gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản IUU, thu hẹp khác biệt về vấn đề quyền con người….

Nhân chuyến thăm và làm việc với EP và Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tiếp đại diện một số tập đoàn kinh tế của Bỉ đến chào như đại diện Tập đoàn Exonmobil (đang đầu tư dự án Cá Voi Xanh với tổng vốn đầu tư đạt 20 tỷ USD để sản xuất khí tự nhiên ngoài khơi tại miền Trung Việt Nam); Công ty Infra Asia Investment (IAI) - công ty đã đầu tư  các khu công nghiệp tại Hải Phòng và Quảng Ninh với số vốn 1,2 tỷ USD; Công ty Smart Universal Logistics…

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến về IUU, người đứng đầu Chính phủ nghiêm khắc yêu cầu, 28 tỉnh, TP ven biển, 136 huyện thị và đặc biệt là 675 xã phường thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt để chậm nhất cuối năm nay, chấm dứt các hiện tượng vi phạm, tiêu cực.

 “Nâng cao nhận thức, thống nhất và quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện thật tốt, hướng dẫn nhân dân cùng làm để chậm nhất cuối năm nay, các hiện tượng vi phạm, tiêu cực chấm dứt, cùng EU gỡ thẻ vàng, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước ta nói chung và của ngư dân nói riêng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. 

Hương Giang