Cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,3 triệu người. Nó đã làm gia tăng đáng kể tình trạng tham nhũng trong mua sắm công và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời đe dọa nhà nước pháp quyền và không gian xã hội dân sự ở nhiều quốc gia.

Để ứng phó hiệu quả đối với COVID-19, TI kêu gọi các biện pháp mang tính toàn cầu đặc biệt để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là một mệnh lệnh đạo đức cũng như một mệnh lệnh bền vững cho xã hội của chúng ta.

Đây cũng là cách duy nhất để thực sự giải quyết mối đe dọa toàn cầu của đại dịch, vì không quốc gia nào và không người nào được bảo vệ cho đến khi tất cả được bảo vệ.

Nhờ nghiên cứu khoa học và các sáng kiến, vắc xin COVID-19 đã được phát triển trong thời gian kỷ lục và các chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu ở những nước giàu có vào khoảng tháng 12/2020.

Ngay cả trước khi được cấp phép vắc xin, các công ty dược phẩm đã ký nhiều hợp đồng với chính phủ các nước có thu nhập cao và trung bình trên thế giới, cam kết cung cấp hàng tỷ liều. Trên thực tế, những gì các nước mua không phải là liều lượng mà là kỳ vọng nhận được những liều lượng đó.

Theo TI, những điều khoản thiếu minh bạch và bí mật trong các hợp đồng đã cho phép các nhà chức trách thông báo rằng, hàng triệu công dân sẽ nhanh chóng được chủng ngừa. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia, lời hứa này vẫn chưa được thực hiện.

Các công ty dược phẩm đã đánh giá quá cao năng lực sản xuất của họ, dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể các loại vắc xin sẵn có. Ngay cả những quốc gia giàu có cũng đưa ra lời phàn nàn về các hợp đồng chưa được thực hiện.

Do thiếu vắc xin, các nước sản xuất đã hạn chế hoặc thậm chí cấm xuất khẩu vắc xin cho đến khi nhu cầu trong nước của họ được đáp ứng. Kết quả, việc tiếp cận vắc xin rõ ràng là không bình đẳng, với những tác động tàn phá đối với cuộc sống và sinh kế ở nhiều quốc gia.

Thông cáo báo chí của TI dẫn số liệu nêu rõ, tính đến tháng 5/2021, khoảng 80% vắc xin được sản xuất trên toàn cầu đã được sử dụng ở các nước giàu có và thu nhập trung bình. Ngược lại, người ta ước tính rằng, một số nước nghèo sẽ không được tiêm phòng hàng loạt để đạt được miễn dịch cộng đồng cho đến năm 2024. Trong khi đó, virus vẫn tiếp tục đột biến và các biến chủng mới xuất hiện làm gia tăng sự lây lan cũng như tăng số người tử vong.

Điều cần thiết là phải loại bỏ các rào cản pháp lý cản trở việc mở rộng quy mô sản xuất vắc xin toàn cầu. Việc cấp phép tự nguyện cho các công ty địa phương bởi những người có quyền sở hữu đã được chứng minh là không đủ... Kể từ tháng 5/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thành lập Nhóm Hành động Công nghệ COVID-19 (C-TAP) để thúc đẩy công nghệ vắc xin và chia sẻ phương pháp sản xuất, nhưng chưa có công ty nào sản xuất vắc xin đăng ký.

Tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Nam Phi là 2 nước đầu tiên đệ trình đề xuất lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xin từ bỏ tạm thời các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 để mở rộng quy mô sản xuất vắc xin toàn cầu - một yêu cầu đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia, WHO, Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người, Ủy ban Về các quyền kinh tế - xã hội và Văn hóa của Liên hợp quốc, cũng như nhiều tổ chức và chuyên gia về nhân quyền và học thuật.

Mới đây, ngày 5/5, trong cuộc họp của WTO thảo luận về việc tạm thời từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để cho phép nhiều nhà sản xuất tham gia sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 cứu người trong đại dịch, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai đã lên tiếng ủng hộ, với tuyên bố: “Chính quyền Mỹ rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chúng tôi ủng hộ việc từ bỏ bản quyền đối với vắc xin COVID-19”.

Tiếp đó, ngày 7/5, WHO kêu gọi nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ưu tiên bảo đảm việc tiếp cận công bằng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu; nhấn mạnh thực trạng bất bình đẳng hiện nay là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Theo WHO, trong gần 1,25 tỷ liều vắc xin được tiêm tại ít nhất 210 nước, vùng lãnh thổ, chỉ 0,3% số đó là ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, không có thời điểm nào tốt hơn để áp dụng quy định miễn trừ bản quyền vắc xin theo quy định WTO là vào lúc này, khi đại dịch kéo dài, đến nay đã cướp đi hơn 3,3 triệu sinh mạng, lây nhiễm cho gần 159 triệu người và các nền kinh tế bị tàn phá.

Đã đến lúc WTO đồng ý về việc từ bỏ tạm thời các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vắc xin và phương pháp điều trị COVID-19!

Như nhấn mạnh của hơn 80 cựu nguyên thủ quốc gia và nhà khoa học đoạt giải Nobel đã viết trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 14/4: “Quyết định từ bỏ của WTO sẽ là một bước quan trọng và cần thiết để chấm dứt đại dịch này. Nó phải được kết hợp với việc đảm bảo phương pháp sản xuất và công nghệ vắc xin được chia sẻ công khai. […] Những hành động này sẽ mở rộng năng lực sản xuất toàn cầu, không bị cản trở bởi các công ty độc quyền trong ngành đang gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ngăn chặn việc tiếp cận vắc xin”.

Được biết, WTO sẽ tiếp tục tổ chức 3 cuộc họp về chủ đề này vào cuối tháng 5, ngày 8/6 và 9/6.

Trước đó, lịch sử thế giới đã từng có tiền lệ. Vào cuối những năm 1990, thuốc kháng virus đã tạo bước ngoặt trong điều trị HIV/AIDS nhưng giá thuốc nằm ngoài tầm của đại đa số bệnh nhân. Năm 2003, các thành viên WTO đã đồng ý từ bỏ quyền sáng chế và cho phép các nước nghèo hơn nhập khẩu các phương pháp điều trị chung cho HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao.

Hoài Phương