Cựu thẩm phán Harris Poyiadjis sẽ đảm đương cương vị Chủ tịch Cơ quan Chống tham nhũng, đồng thời giữ chức danh Ủy viên Minh bạch.

Các thành viên khác bao gồm: Cựu Thư ký Thường trực Bộ Giao thông Vận tải Michail Constantinides; luật sư Eleni Patera Demosthenous; kế toán và cựu Giám đốc Công ty Quản lý nước Nicosia Nicos Zambartides; và nhà xã hội học Tatiana Zachariadou.

Từ danh sách 15 người được đưa ra bởi hội đồng tư vấn, Tổng thống đã chọn ra 5 người có tên nêu trên và họ sẽ đảm đương trọng trách này trong vòng 6 năm.

Đảng Tập hợp Dân chủ (DISY) cầm quyền rất hoan nghênh việc bổ nhiệm bộ máy chống tham nhũng mới này.

"Hôm nay, một bước tiến lớn đã được thực thi trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng. Tham nhũng không những đe dọa nền kinh tế mà còn đe dọa cả nền dân chủ, điều này có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả chúng ta..."

Cơ quan này sẽ có trọng trách báo cáo về những hành vi nghi ngờ tham nhũng trong khu vực công. Hoạt động của cơ quan được hướng dẫn chỉ đạo theo các tiêu chuẩn do Greco - Cơ quan Giám sát chống tham nhũng của Liên minh châu Âu (EU) đề ra.

Cơ quan Chống tham nhũng sẽ kiểm tra các báo cáo, khiếu nại về hành vi sai phạm, sai trái trong khu vực công, đồng thời cũng có thể xem xét các thực thể khu vực tư nhân trong các giao dịch với Chính phủ.

Họ có quyền tự mở một cuộc điều tra, hoặc tiến hành điều tra sau khi nhận được khiếu nại từ công chúng, và cũng có thể hành động theo những hướng dẫn cụ thể từ phía Nội các.

Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế trong quyền hạn điều tra của cơ quan này. Ví dụ, cơ quan không thể có trát đòi hầu tòa hồ sơ theo lệnh của tòa án như cảnh sát.

Bất cứ khi nào cảnh sát bắt tay vào điều tra hình sự về một vấn đề, Cơ quan Chống tham nhũng sẽ phải dừng tất cả hành động liên quan tới vấn đề đó, bất kể họ đã nhập cuộc điều tra trước đó hay chưa.

Khi cảnh sát đang tiến hành điều tra, cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể tìm kiếm và nhận các cuộc họp báo từ Tổng Chưởng lý (Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

Bất cứ ai bị phát hiện cản trở công việc của cơ quan có thẩm quyền, do bỏ sót hoặc với bất kỳ hình thức nào khác, hoặc những người cố tình cung cấp thông tin sai lệch đều phải chịu mức phạt nặng.

Chỉ 1 ngày trước đó, trong một phiên họp kín, Ủy ban Pháp lý Hạ viện đã được thông báo về danh sách 15 ứng cử viên. Cũng trong phiên họp, các đảng đối lập đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với hồ sơ của một số người có tên trong đó.

Sau cuộc thảo luận, danh sách 15 người đã được đệ trình lên Tổng thống, và Tổng thống quyết định chọn ra 5 thành viên.

Quốc hội có quyền xem xét danh sách các ứng cử viên, nhưng không thể thêm hoặc loại bỏ bất kỳ tên nào khỏi danh sách.

Trang Cyprus Mail chia sẻ, cả Đảng Tiến bộ của nhân dân lao động Síp (AKEL) và Đảng Greens đều có sự hoài nghi về một số ứng cử viên và cho rằng những người này (không nêu rõ tên) có liên quan đến một số lợi ích trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh và ngân hàng.

Nghị sĩ Aristos Damianou của Đảng AKEL tuyên bố, một số cá nhân có liên quan đến chương trình cấp "hộ chiếu vàng" hiện không còn tồn tại.

Ông Charalambos Theopemptou của Đảng Greens nhận xét rằng, một số ứng cử viên cũng có thể sẽ được điều tra bởi Cơ quan Chống tham nhũng mà chính họ đang được đề xuất.

Khánh Linh (Theo Cyprus Mail)