Hàng trăm cảnh sát và binh lính đã được triển khai trên khắp Zimbabwe để đón đầu các cuộc biểu tình chống tham nhũng.

Trong những tuần gần đây, quốc gia nghèo đói phía Nam châu Phi này đã chứng kiến căng thẳng gia tăng khi các cơ quan an ninh đã tìm cách kiềm chế sự tức giận của người dân do giá cả tăng vọt, các dịch vụ công cộng không đáp ứng đủ nhu cầu và các cáo buộc về hối lộ của chính quyền Tổng thống Emmerson Mnangagwa.

Cảnh sát đã cảnh báo rằng bất cứ ai tham dự các cuộc biểu tình đều là đang vi phạm pháp luật. Các quan chức Chính phủ đã mô tả các cuộc biểu tình, vốn đã bị cấm để kiểm soát đại dịch Covid-19, là một “cuộc nổi dậy”.

“Không bao giờ có thể nghi ngờ rằng mục tiêu của những người Zimbabwe gian trá đang cấu kết với những phần tử ở nước ngoài chính là lật đổ Chính phủ được bầu cử theo cách hoàn toàn dân chủ của chúng tôi,” ông Mnangagwa phát biểu vào thứ tư vừa qua.

“Tôi muốn cảnh báo những người tổ chức các cuộc biểu tình này rằng các lực lượng an ninh của chúng tôi sẽ luôn ở trạng thái cảnh giác cao độ để triển khai các kế hoạch hành động thích hợp trong mọi tình huống. Tôi kêu gọi tất cả các công dân yêu nước và tuân thủ pháp luật tránh xa những kẻ bất lương này và không làm theo những kế hoạch gây chia rẽ và mang tính phá hoại của chúng.”

Những cáo buộc tương tự về sự can thiệp của nước ngoài đã được đưa ra một cách có hệ thống trong dưới thời ông Robert Mugabe, vị cựu Tổng thống độc tài, người đã bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy vào năm 2017.

Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh một loạt cuộc đàn áp mạnh mẽ đối với các nhà hoạt động chống tham nhũng đang diễn ra trên khắp đất nước, và Chính phủ thì liên tiếp chỉ trích đặc phái viên phương Tây.

Vào tối thứ năm đã có báo cáo rằng những người không rõ danh tính đem theo vũ khí, được cho là thuộc một cơ quan an ninh Chính phủ, đã đột kích nhà biên tập viên của một trang web tin tức điều tra và bắt cóc em gái của ông này khi ông vắng nhà.

Đầu tuần này, đảng cầm quyền của Zimbabwe đã đe dọa trục xuất Đại sứ Mỹ, sau khi gọi nhà ngoại giao là một tên côn đồ gây bất ổn bằng cách tài trợ cho các bên tổ chức biểu tình.

Cảnh sát cũng công bố một danh sách truy nã, một nhóm gồm 14 cá nhân nổi tiếng với những phát ngôn chỉ trích Chính phủ, bao gồm đoàn viên Nghiệp đoàn Peter Mutasa, nhà lập pháp thuộc đảng đối lập Job Sikhala và hai cựu lãnh đạo thanh niên của Đảng Zanu-PF.

Hôm thứ năm, một tòa án đã từ chối bảo lãnh tại ngoại cho chính trị gia thuộc đảng đối lập Jacob Ngarivhume và nhà báo Hopewell Chin’ono, người thường xuyên thẳng thắn chỉ trích nạn tham nhũng.

Gần đây Chin’ono đã công bố các tài liệu cảnh báo người dân rằng các cá nhân có nhiều quyền lực ở Zimbabwe đang thu lợi từ các thỏa thuận cung cấp các trang thiết bị thiết yếu chống lại đại dịch Covid-19 trị giá hàng triệu đô la Mỹ.

Nhà báo 49 tuổi này đang chờ phiên tòa xét xử tội kích động bạo lực do khuyến khích tổ chức các cuộc biểu tình diễn ra vào thứ sáu tuần này.

Cả Chin’ono và Ngarivhume, những người phải đối mặt với cáo buộc tương tự nhau, phủ nhận mọi hành vi được cho là sai trai của mình và có thể phải đối mặt với án tù 10 năm nếu bị kết án.

Fadzayi Mahere, người phát ngôn của đảng đối lập chính, Phong trào Thay đổi Dân chủ, trả lời tờ The Guardian rằng Nhà nước Zimbabwe đang tuyên chiến với chính công dân của mình.

Việc ông Mugabe bị truất quyền Tổng thống đã tạo ra hy vọng cải cách và phục hồi nền ngoại giao của Zimbabwe. Không có được mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ, một gói cứu trợ kinh tế là ước mơ rất xa vời đối với quốc gia đói nghèo này.

Thông báo đầu tuần này về khoản bồi thường hàng tỷ đô la cho những nông dân da trắng bị buộc rời khỏi đất của họ 20 năm trước có thể là một nỗ lực để làm chệch hướng một số lời chỉ trích của các cường quốc phương tây nhắm vào Zimbabwe, và cũng một sự thừa nhận rằng đất nước này rất cần sự giúp đỡ.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) đã cảnh báo vào thứ năm rằng vào cuối năm, có tới 8 triệu người dân Zimbabwe - 60% dân số nước này - sẽ cần viện trợ để ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng.

Lola Castro, Giám đốc Khu vực của WFP Nam Phi cho biết: ”Nhiều gia đình ở Zimbabwe đang phải chịu đựng nạn đói khủng khiếp và tình cảnh của họ sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Chúng tôi cần cộng đồng quốc tế hành động ngay bây giờ để giúp chúng tôi ngăn chặn một thảm họa nhân đạo đang tiềm tàng.”

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch. Hiện tại có gần 3.000 trường hợp Covid-19 được xác nhận ở Zimbabwe và 41 trường hợp tử vong, mặc dù hầu hết các nhà quan sát cho rằng các số liệu chính thức đánh giá rất thấp sự lây lan của căn bệnh này. Perrance Shiri, Bộ trưởng Nông nghiệp của Zimbabwe, đã chết vì một căn bệnh không được tiết lộ, được cho là Covid-19.

Lệnh phong tỏa toàn quốc đã ngăn cản nhiều người dân ở các thị trấn và thành phố kiếm sống. Những người di cư thất nghiệp hiện đang quay trở lại làng của họ ở khu vực nông thôn, làm tăng gánh nặng cho các hộ gia đình nghèo nơi đây.

 

 

 

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)