Diễn biến mới nhất của chiến dịch chống tham nhũng trong bóng đá Trung Quốc đã chứng kiến một số cầu thủ và huấn luyện viên đội bóng lớn của Chinese Super League (CSL) Shandong Taishan bị điều tra.

Đáng chú ý là trường hợp của cầu thủ Hàn Quốc Son Jun-ho trong vụ án cấp cao mới nhất. Son Jun-ho đã bị giam giữ vào đúng vào sinh nhật lần thứ 31 của mình, ngày 12/5, vì nghi ngờ nhận hối lộ, dàn xếp tỉ số.

Son Jun-ho chuyển từ Jeonbuk sang Shandong Taishan vào năm 2021 và liên tục trở thành trụ cột của câu lạc bộ này. Tại đội tuyển quốc gia, Son đã ra sân 20 trận, cùng đội nhà dự World Cup 2022 vừa qua.

Son Jun-ho là cầu thủ nước ngoài đầu tiên bị điều tra và giam giữ vì các cáo buộc liên quan đến bóng đá trong lịch sử bóng đá Trung Quốc, theo Global Times.

Mặc dù chưa có thông báo chính thức về tình hình của Hao Wei, cựu huấn luyện viên trưởng của Shandong, nhưng có thông tin cho rằng ông cũng đang bị điều tra.

Hao Wei đã không xuất hiện trong bất kỳ trận đấu nào của đội Shandong kể từ vòng thứ hai của giải đấu khi Shandong gặp Nantong Zhiyun vào ngày 21/4. Trợ lý huấn luyện viên của Shandong là Fabio Lefundes của Brazil đang tạm thời quản lý đội bóng.

Tuy nhiên, Shandong mới đây thông báo rằng, đã ký hợp đồng với huấn luyện viên bóng đá Hàn Quốc Choi Kang-hee.

Shandong đã giành chức vô địch Cúp Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc mùa giải trước, nhưng hiện chỉ đang đứng ở vị trí thứ 11 trong giải đấu gồm 16 đội hàng đầu.

Một số người tin rằng sau khi Chinese Super League nối lại hoạt động vào giữa tháng 4 vừa qua, những người liên quan đến các vụ án tham nhũng sẽ không bị điều tra vì mọi thứ đã trở lại "bình thường". Tuy nhiên, thực tế các vụ việc gần đây đã nhấn mạnh, bất kỳ ai vi phạm luật pháp và các quy định đều phải chịu trách nhiệm, đối mặt với hậu quả.

Người đứng đầu ngành Thể thao Trung Quốc Gao Zhidan hôm 19/5 đã kêu gọi tất cả quan chức thể thao rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ.

Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng trong bóng đá bắt đầu vào tháng 11/2022, hơn 10 quan chức cấp cao liên quan đến bóng đá đã bị giam giữ hoặc điều tra về các vi phạm pháp luật và kỷ luật, bao gồm Du Zhaocai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trung Quốc và Chen Xuyuan, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc.

Vào năm 2015, Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch quốc gia về cải cách và phát triển môn thể thao này, trong đó quy định "mục tiêu ngắn hạn" bao gồm việc điều chỉnh hệ thống quản lý bóng đá, trong khi "mục tiêu trung hạn" là đạt được sự gia tăng đáng kể trong đội ngũ bóng đá trẻ, để đạt được cấp độ tổ chức và thi đấu giải đấu chuyên nghiệp hạng nhất ở châu Á, và xếp hạng đội tuyển bóng đá nam quốc gia Trung Quốc ở vị trí hàng đầu châu Á.

Tuy nhiên, theo Global Times, 8 năm đã trôi qua, môn thể thao bóng đá vẫn còn cách rất xa so với những mục tiêu nêu trên, mặc dù đã có nhiều năm đầu tư lớn vào bộ môn. Điều này đã thúc đẩy sự trỗi dậy của các vụ án tham nhũng.

Thập kỷ qua đã chứng kiến hàng chục ngôi sao bóng đá đẳng cấp thế giới đến thi đấu ở Chinese Super League, nhưng thời gian của họ không kéo dài lâu do các câu lạc bộ không ổn định về tài chính.

Trung Quốc đã trải qua một loạt vụ bê bối vào năm 2009, với các vụ dàn xếp tỉ số nghiêm trọng, kết thúc bằng việc tất cả các cựu phó chủ tịch của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc đều bị bắt và cách chức. Một số cầu thủ nổi tiếng như Shen Si và Qi Hong - những cựu tuyển thủ Trung Quốc, đã bị kết án vì cùng tội danh mà cầu thủ Hàn Quốc Son Jun-ho vừa bị bắt.

Cơn bão chống tham nhũng năm 2009 đã mang đến cho người hâm mộ Trung Quốc niềm hy vọng rằng bóng đá nước này sẽ trở lại đúng quỹ đạo, thế nên những vụ việc mới đây được phanh phui vào năm 2022 đã khiến không ít người thất vọng.

"Nhưng lần này thì khác", Global Times bình luận.

Các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên trong Tổng cục Thể thao của các cơ quan kiểm tra hàng đầu quốc gia đã được tiến hành vào cuối tháng 3, nhằm thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch của Trung Quốc để xây dựng đất nước thành một cường quốc thể thao và giải quyết các vấn đề trong quản lý thể thao, đặc biệt là bóng đá.

Mặc dù không được công bố, nhưng vẫn có những cuộc điều tra về các cầu thủ và quan chức câu lạc bộ tham nhũng, cho thấy "chiến dịch chống tham nhũng lần này là chưa từng có trong lịch sử", theo Global Times.

"Các cuộc kiểm tra có thể không mang lại lợi ích trực tiếp cho bóng đá Trung Quốc, nhưng nó chắc chắn sẽ bảo vệ những nỗ lực hồi sinh bóng đá Trung Quốc", tờ báo này nhận định.

Hoài Phương