Chính phủ Libya đã bắt giữ một chỉ huy lực lượng tuần duyên bị cáo buộc là một trong những kẻ buôn người khét tiếng nhất thế giới.

Hôm thứ Tư, chính quyền ở Tripoli cho biết Abd al-Rahman Milad, còn được gọi là Bija, bị tình nghi đứng sau vụ chết đuối của hàng chục người tị nạn, đã bị bắt tại quận Hay-al-Andalus của thành phố Tripoli và hiện đang bị giam giữ bởi các lực lượng đặc biệt RADA.

Đây là lần đầu tiên một nhân vật cấp cao của lực lượng tuần duyên Libya bị bắt vì tội buôn người.

Một báo cáo an ninh của Liên Hợp Quốc công bố trong tháng 6 năm 2017 mô tả Bija đóng vai trò quan trọng đối trong hoạt động buôn người và một phần của mạng lưới tội phạm hoạt động tại Zawiyah, ở phía Tây Bắc Libya, khoảng 28 dặm về phía tây Tripoli.

Năm ngoái, một cuộc điều tra của tờ báo Ý, Avvenire, đã ghi lại sự hiện diện của Bija ở Ý trong một loạt cuộc họp chính thức ở Sicily và Rome vào tháng 5 năm 2017, khiến Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Marco Minniti chỉ trích.

Ba tháng trước đó, Minniti đã ký một bản ghi nhớ với lãnh đạo Chính phủ Libya Fayez al-Sarraj, để hợp tác với lực lượng tuần duyên Libya, trong đó có việc cung cấp bốn tàu tuần tra.

Thỏa thuận đã trao quyền cho lực lượng tuần duyên Libya để chặn các thuyền di cư trên biển và chuyển hướng họ đến Libya, nơi các cơ quan cứu trợ cho rằng những người tị nạn bị ngược đãi và tra tấn.

Avvenire cho biết đối tượng bị cáo buộc buôn người đã được giới thiệu tại các cuộc họp với tư cách là “chỉ huy lực lượng tuần duyên Libya”. Minniti đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, nói rằng Ý không biết về các cáo buộc thực hiện các hoạt động tội phạm của Bija vào thời điểm đó.

Trong một cuộc phỏng vấn được ghi hình ở thành phố Zawiya, được phát sóng vào tháng 10 năm 2019 trên chương trình truyền hình nổi tiếng của Ý là Propaganda Live, Bija nói với nhà báo điều tra Francesca Mannocchi rằng trong chuyến đi đến Ý, ông đã được mời tham gia các cuộc họp tại Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, ở Rome”.

Khi được hỏi rằng đã gặp Minniti chưa, Bija nói: "Tôi không biết, có thể."

Các nhà báo Ý gồm Nello Scavo, người đầu tiên ghi lại sự hiện diện của Bija ở Ý cho tờ Avvenire và Nancy Porsia, người lần đầu tiên viết về các hoạt động tội phạm của ông ta vào đầu năm 2017, đã được phía cảnh sát hỗ trợ đảm bảo an toàn vào năm ngoái theo yêu cầu sau khi họ nhận được những lời đe dọa của Bijia.

“Có một vài cuộc điều tra về Bija ở Ý,” Scavo trả lời tờ Guardian. ‘‘Nhưng chúng tôi không biết liệu Ý có ý định cử các nhà điều tra đến Libya để thẩm vấn ông ta hay họ có ý định yêu cầu dẫn độ về nước chúng tôi. Tất nhiên, sẽ rất thú vị nếu biết [Bija] sẽ phải nói gì về mối quan hệ của ông ấy với Chính phủ Ý.”

“Những năm gần đây quả là không hề dễ dàng đối với tôi, sau những lời đe dọa từ Bija nhắm đến chính tôi, chồng của tôi, một người Libya và cả con trai tôi nữa,” Nancy Porsia nói. ‘‘Rất khó để có thể nói về Bija và việc buôn bán người của ông ta, trước sự thờ ơ của nhiều nguồn truyền thông. Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy bị cô lập. Bây giờ, với vụ bắt giữ này, điều gì đó cuối cùng đã xảy ra. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc bắt giữ Bija là một trong những dấu hiệu cho thấy sự dàn xếp giữa các phe phái khác nhau tại Libya”.

Các tổ chức phi chính phủ hết sức hoan nghênh việc Bija bị bắt giữ. Những tổ chức này đã tố cáo mối quan hệ giữa những kẻ buôn người và lực lượng tuần duyên Libya trong nhiều năm. Nhưng việc này đã gây ra các cuộc đụng độ giữa dân quân Zawiya và lực lượng RADA gần Janzour. Dân quân Zawiya được cho là đe dọa sẽ tắt nguồn cung cấp năng lượng cho Tripoli tại nhà máy lọc dầu Zawiya trừ khi Bija được thả tự do.

 
Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)