Hội nghị Thượng đỉnh G7 kéo dài 3 ngày (từ 26 - 28/6) đã thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, COVID-19, cũng như về vấn đề các khoản nợ của nước ngoài...

Trong một thông cáo báo chí, TI cho biết, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 "chứa đựng sự công nhận đáng hoan nghênh rằng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết nạn tham nhũng xuyên biên giới".

Theo bà Maíra Martini, chuyên gia về dòng tiền tham nhũng tại TI: “Điều đáng khích lệ là các nhà lãnh đạo G7 hiện đã thừa nhận rõ ràng những tác động tai hại của chế độ chính trị tham nhũng (kleptocracy) và cách mà tham nhũng cũng như tài chính bất hợp pháp tạo ra tất cả".

Trong khi đó, ông Christoph Kowalewski, đại diện chính thức của TI Đức tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, cho biết, lời kêu gọi của TI Đức về việc G7 công nhận vai trò của mình trong việc chống tham nhũng và chế độ chính trị tham nhũng đã được lắng nghe.

"G7 hứa hẹn sẽ thừa nhận những mối đe dọa mà tham nhũng và tiền bẩn gây ra đối với an ninh quốc gia, tự do và dân chủ. Bây giờ, chúng ta hy vọng những cam kết này sẽ được thực hiện bằng hành động", ông Kowalewski nói.

“Chúng tôi hoan nghênh cam kết của G7 trong việc đẩy nhanh việc thực hiện và tăng cường sổ đăng ký minh bạch cũng như nhanh chóng thực thi các tiêu chuẩn toàn cầu do Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) đặt ra. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc này. Hơn nữa, G7 cần khẩn trương đóng các lỗ hổng cho phép tiền bẩn chảy vào nền kinh tế của họ. Đức và tất cả các nước G7 phải cung cấp ngay nguồn lực bổ sung cho các cơ quan chức năng quốc gia được giao nhiệm vụ chống tham nhũng và tài chính bất hợp pháp”, đại diện TI Đức nhấn mạnh.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 cũng tuyên bố sẵn sàng góp phần ổn định và chuyển đổi nền kinh tế thế giới, giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.

Ngoài ra, G7 cũng sẽ củng cố khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đảm bảo các điều kiện cạnh tranh.

Về vấn đề năng lượng, G7 cam kết nhanh chóng hành động để đảm bảo nguồn cung năng lượng và kiềm chế việc gia tăng chi phí do các điều kiện thị trường bất thường, cũng như xem xét các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như áp mức trần giá dầu.

Liên quan đến đại dịch COVID-19, G7 cam kết xây dựng nguồn dự phòng trên 1,1 tỷ liều vắc xin, quan tâm tới việc phòng ngừa, dự phòng và chống các đại dịch trong tương lai cũng như các thách thức liên quan tới sức khỏe...

Ngọc Anh