Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, một số nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo Ủy ban điều hành của khối này về việc cấp hàng tỷ euro cho Hungary, vì cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đang làm ảnh hưởng đến các chuẩn mực dân chủ.

Chính phủ của ông Orban trước đó đã có xung đột gay gắt với EU về các quy tắc dân chủ, khi nhà lãnh đạo Hungary thắt chặt các hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ, phương tiện truyền thông, học giả và thẩm phán, đồng thời bị cho là đàn áp quyền của người di cư và người đồng tính.

Một nhóm nhà lập pháp trong Nghị viện châu Âu cho rằng, những thay đổi mới nhất của Budapest gần như không đủ để đảm bảo một nền dân chủ mạnh mẽ ở Hungary.

“Chính phủ Hungary thiếu tôn trọng luật pháp... Quyết định chính xác là thông qua việc đóng băng các quỹ", Eider Gardiazabal Rubial, một nhà lập pháp người Tây Ban Nha nói.

Đồng quan điểm, ông Daniel Freund, một nhà lập pháp người Đức, từng hoạt động tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho rằng, cần tiếp tục đóng băng quỹ, "đó là ngôn từ duy nhất mà ông Orban hiểu".

Ở phía ngược lại, có những tiếng nói ủng hộ Hungary. Trong đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Séc, quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên EU cho rằng, tình hình pháp quyền tại quốc gia này đã có nhiều chuyển biến và bày tỏ tin tưởng sẽ có những thay đổi cơ bản trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Zalaegerszeg, Hungary, ngày 23/10/2022. Ảnh: REUTERS/Bernadett Szabo

Phát biểu thay mặt Ban Điều hành, Ủy viên phụ trách Tư pháp của EU Didier Reynders cho biết, các cuộc đàm phán giữa Brussels và Budapest đã đạt được tiến bộ trong những tháng gần đây.

Mặc dù ông Orban có thể không nhận được tất cả số tiền được mở khóa, nhưng Hungary có thể sẽ giành được sự chấp thuận có điều kiện của Ủy ban đối với khoảng 7,2 tỷ euro từ quỹ của khối để giúp các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Ủy ban cũng dự kiến sẽ đề xuất giảm từ 7,5 tỷ euro - tương đương 65% quỹ phát triển dự kiến cho Hungary trong những năm tới - hình phạt đối với tham nhũng.

Trước đó, Hungary đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn việc bị đình chỉ các quỹ tài trợ của EU. Hungary đã gửi tới EC 17 cam kết để cắt giảm nguy cơ tham nhũng trong các dự án do EU tài trợ.

Các cam kết bao gồm: Thành lập Cơ quan Liêm chính; thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng; thông qua các chiến lược chống gian lận và chống tham nhũng; thông qua luật để đảm bảo các quy tắc mua sắm công được áp dụng cho các cơ sở quản lý tài sản công ích; sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự; tăng cường cơ chế kiểm toán và kiểm soát việc thực hiện các quỹ của EU; tăng cường minh bạch chi tiêu công...

Đáng chú ý, đầu tháng 10/2022, Quốc hội Hungary đã thông qua luật đầu tiên của một loạt luật chống tham nhũng nhằm xoa dịu EC. Đảng Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban đã thông qua sửa đổi Bộ luật Hình sự, thiết lập thủ tục mới liên quan đến các tội hình sự trong quản lý tài sản công, đồng thời cho phép xem xét lại tư pháp trong trường hợp cuộc điều tra bị khép lại mà không có bản cáo trạng hoặc báo cáo tội phạm bị bác bỏ...

Ngọc Anh