Tình hình hiện tại ở Indonesia như thế nào?

Bà Valerie Julliand, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc (UN) tại Indonesia đã có những nhận định về tình hình của Indonesia và đưa ra những bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác.

Theo bà Julliand, Indonesia, giống như nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, cho tới gần đây đã thành công trong việc giảm thiểu các tác động xấu nhất của COVID-19 đến sức khỏe người dân; một số hình thức của các biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng từ lâu.

Kể từ khi đảm nhận vị trí của mình tại Indonesia vào tháng 10/2020, Julliand cho biết, bà chỉ gặp hầu hết các đồng nghiệp của mình qua màn hình. Tình trạng tắc đường nổi tiếng của Jakarta gần như không còn. Tuy nhiên, các tác động phi sức khỏe của đại dịch là rất rõ ràng.

Indonesia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo trong thập kỷ qua, nhưng COVID-19 đã cản trở một số thành tựu quan trọng. Cũng như những nơi khác, gánh nặng kinh tế của COVID-19 đã tác động một cách không cân xứng đối với phụ nữ và các nhóm yếu thế khác.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2021, cuộc khủng hoảng sức khỏe ngày càng trở nên cấp bách. Các trường hợp COVID-19 mới đã tăng gấp 5 lần trong tháng qua.

Vào ngày 17/7, số ca nhiễm mới hàng ngày được Indonesia báo cáo cao hơn cả Ấn Độ và Brazil, khiến nhiều hãng tin tức gọi đây là tâm chấn COVID mới của châu Á.

Và, vào ngày 21/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đã có hơn 77.500 ca tử vong trong nước.

leftcenterrightdel
Một người đàn ông đọc thông tin phòng, chống COVID-19 ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Ngân hàng Phát triển Châu Á / Afriadi Hikmal  
 

Tổng số khoảng hơn 3 triệu trường hợp mắc bệnh được xác nhận của Indonesia vẫn thấp hơn nhiều so với con số hơn 31 triệu trường hợp mà Ấn Độ đã ghi nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Thế nhưng việc so sánh giữa tình hình hiện tại của Indonesia với sự gia tăng thảm hại vào mùa Xuân của Ấn Độ chắc chắn đã được thực hiện. Tại một số khu vực, các bệnh viện quá tải đã buộc phải quay lưng với bệnh nhân và các nhóm tình nguyện đã được huy động để xác định vị trí đặt bình dưỡng khí và... quan tài.

Theo số liệu cập nhật đến 9h30 ngày 26/7, Indonesia có thêm 1.266 ca tử vong mới, 38.679 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay ở đất nước vạn đảo lên 3,1 triệu ca với 83.279 người tử vong do COVID-19.

Làm thế nào mà mọi thứ lại trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng như vậy?

Điều này phụ thuộc vào một số yếu tố.

Sự gia tăng các ca bệnh đang được thúc đẩy bởi biến thể Delta có khả năng lây lan cao. Các trường hợp gia tăng cũng được ghi nhận trong khu vực và ở nhiều quốc gia khác.

Nhưng ở mức độ sâu xa hơn, nguyên do là bởi sự thiếu đoàn kết, thiếu ý thức tập thể trong đại dịch.

Những sai sót tương tự đã được thấy ở các quốc gia khác. Kinh nghiệm toàn cầu đã chứng minh rằng, việc thực thi nghiêm ngặt các biện pháp y tế công cộng là rất quan trọng để ngăn chặn sự bùng phát và rằng, các biện pháp này phải được hướng dẫn bởi việc giám sát chính xác sự lây truyền của virus.

Điều đó đã không được thực hiện ở Ấn Độ. Và, những gì chúng ta đang thấy ở Indonesia một phần cũng là kết quả của việc tụ tập đông người và đi du lịch khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn cao.

Trên hết, tiêm chủng chưa được triển khai đủ nhanh. Tính đến ngày 17/7, cứ 100 người trong tổng dân số 270 triệu người của Indonesia thì có 6 người đã được tiêm hai liều vắc xin COVID-19, với mức độ bao phủ thấp đối với người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Trong khi, Indonesia đã được hỗ trợ vắc xin tương đối tốt, bao gồm từ Cơ chế COVAX và đi trước các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự đoàn kết toàn cầu, bất chấp lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc tiếp cận vắc xin một cách công bằng.

Các nước giàu tích trữ vắc xin. Và, thật đáng buồn, Indonesia chắc chắn không phải là nước kém nhất. Chỉ 1,1% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc xin.

leftcenterrightdel
Các tình nguyện viên chuẩn bị khử trùng các khu vực công cộng ở Jakarta, Indonesia, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: Ngân hàng Phát triển Châu Á / Afriadi Hikmal 
 

Dịch bệnh ở Indonesia đang ở đỉnh điểm hay mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn?

Đó là câu hỏi đang được quan tâm hàng đầu. Sau khi Ấn Độ thực hiện tổng phong tỏa toàn quốc để đối phó với đại dịch, phải mất khoảng 2 tuần trước khi số ca mắc được ghi nhận giảm.

Indonesia đã đưa ra các quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt ở đảo Java và Bali vào đầu tháng 7. Và kể từ đó đã mở rộng phạm vi các quy định, nhưng nước này vẫn chưa thực hiện một quy định hạn chế hoặc cấm đi lại nghiêm ngặt ở cấp quốc gia, như các quốc gia khác trong tình trạng tương tự đã làm.

Rất khó để nói khi nào dịch bệnh ở Indonesia sẽ đạt đến đỉnh, nhưng điều chúng ta thấy là những con số vẫn đang tăng lên.

Chính phủ Indonesia đã cam kết tiêm chủng cho 1 triệu người mỗi ngày. Nước này cũng đang chuyển đổi 40% giường bệnh không COVID thành giường dành cho bệnh nhân COVID.

Trong số các biện pháp can thiệp khác, Chính phủ Indonesia sẽ phân phối các gói hỗ trợ y tế cho một số người dân nghèo nhất của đất nước, và để những người có các triệu chứng nhẹ hơn không phải đến bệnh viện.

Theo đại diện của UN, các biện pháp này đều quan trọng. Nhưng kinh nghiệm ở các nước khác chứng minh rằng, việc hạn chế toàn bộ di chuyển, tiêm chủng, theo dõi/ xét nghiệm tiếp xúc và điều trị là những cách tốt nhất để ngăn chặn virus.

Trong khi đó, vào 25/7, ngày hết hạn của lệnh hạn chế cũ, trong bối cảnh số ca tử vong gia tăng và Indonesia đã phải gấp rút bổ sung nhiều đơn vị điều trị đặc biệt cho các bệnh viện, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế phòng COVID-19 thêm một tuần, đến ngày 2/8, nhưng theo hướng nới lỏng hơn, cân nhắc và hài hòa các nhu cầu sức khỏe và kinh tế, xã hội.

Bức tranh trái ngược giữa Anh và Indonesia

Dù cùng ghi nhận mức khủng khiếp 50.000 ca COVID-19 trong một ngày, nhưng tình hình tại Anh và Indonesia lại là hai bức tranh hoàn toàn khác biệt.

Tại Indonesia, sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 đi kèm với những câu chuyện bi thảm: Các bệnh viện thiếu nguồn oxy, thuốc men; nhiều người phải chết một mình khi người thân và gia đình không thể ở bên hoặc phải ở đằng sau những tấm chắn bảo vệ; mỗi ngày Indonesia ghi nhận khoảng 1.000 ca tử vong do COVID-19.

Còn tại Anh, nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ ngày 19/7/2021 và được báo chí địa phương gọi là “Ngày Tự do”.

Các hộp đêm trở lại đông đúc, người dân có thể đi tàu mà không cần đeo khẩu trang, ăn tối ngoài trời mà không bị giới hạn về không gian và chỗ ngồi. Dù số ca mắc tăng mạnh, nhưng số ca tử vong do COVID-19 ở Anh chỉ ở mức 50 trường hợp/ngày.

Sự khác biệt này là do đâu?

Đó là tiêm chủng vắc xin.

leftcenterrightdel
Một loại vắc xin COVID-19 được sử dụng ở Kediri, Đông Java, Indonesia. Ảnh: UNICEF / COVAX / Fauzan Ijazah  
 

Hơn một nửa dân số Anh (55%) đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19, trong đó bao gồm phần lớn những người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp tránh được khả năng mắc COVID-19 nặng và phải nhập viện.

Trong khi, tại Indonesia, chỉ 6% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh nước này vẫn đang khan hiếm nguồn cung vắc xin.

Và, khi các quốc gia giàu có hơn đang dần trở lại cuộc sống bình thường, tổ chức các liên hoan phim, tuần lễ thời trang và các giải đấu bóng đá, thì cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ lại đang càn quét ở các nước đang phát triển, khiến các nền kinh tế bị tê liệt, nhiều người mất kế sinh nhai. Đó cũng là những gì WHO đã cảnh báo từ cách đây nhiều tháng - một “sự thất bại thảm hại về đạo đức” do phân hóa giàu nghèo trong việc tiếp cận vắc xin.

Bài học nào có ý nghĩa toàn cầu được rút ra từ thực trạng ở Indonesia?

Có một số vấn đề có thể được giải quyết ở một quốc gia, nhưng với dịch bệnh liên quan đến virus, không có biên giới và không có sự phân biệt giữa các quốc gia giàu - nghèo.

Bởi vậy, nếu chúng ta tạo ra một cái kén nhỏ mà chúng ta cảm thấy an toàn, nhưng bên ngoài cái kén đó lại hỗn loạn, thì chúng ta sẽ không được an toàn trong một thời gian dài.

Đại dịch này chứng minh điều mà các nhà môi trường đã tranh cãi trong nhiều thập kỷ: Những gì chúng ta làm ở một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến những gì xảy ra ở quốc gia khác vì chúng ta chia sẻ với nhau một hệ sinh thái, một hành tinh.

Đại dịch đã buộc chúng ta phải làm việc cùng nhau, để hạn chế bản thân và thay đổi lối sống theo những cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được cho đến tận gần đây.

Nhưng khi nói đến vắc xin, mặc dù Cơ chế COVAX đang hoạt động tốt, nhưng sự đoàn kết toàn cầu đôi khi vẫn thiếu. Và, đó là một trong những lý do khiến chúng ta thấy tình hình như ở Indonesia.

Ai đó sẽ cho rằng, câu nói của Liên hợp quốc kêu gọi "tất cả mọi người chung tay" đã quá quen tai, và có phần sáo rỗng. Nhưng nó là điều hiển nhiên với COVID-19. Đại dịch đã dạy chúng ta có thể tạo ra những thay đổi chưa từng có trong cách chúng ta sống. Câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta có thực hiện những điều mà chúng ta đã phải trả giá đắt như vậy để học được hay không?

Hoài Phương