Theo đó, khi Anh chính thức bước ra khỏi "ngôi nhà chung" cũng là lúc khoảng 180.000 doanh nghiệp hiện chỉ hoạt động bên trong lãnh thổ EU, sẽ lần đầu tiên phải thực hiện các thủ tục kê khai thuế hải quan. Chính phủ Anh ước tính sẽ có khoảng 200 triệu tờ khai hải quan được thực hiện mỗi năm, mỗi tờ khai sẽ có chi phí từ 20 tới 45 bảng. Như vậy, tổng cộng hàng năm các doanh nghiệp sẽ phải chi thêm khoảng 4 tỷ đến 9 tỷ bảng cho các thủ tục này.

Qua đó, IfG cho rằng London cần cung cấp cho các doanh nghiệp những hướng dẫn chi tiết về các thay đổi, yêu cầu mới để họ có kế hoạch ứng phó phù hợp, đồng thời cho các doanh nghiệp thời gian để thích nghi với những thay đổi này. 

Theo IfG, để tránh tình trạng hỗn loạn, Chính phủ phải đảm bảo tất cả các đơn vị có liên quan như ban quản lý các cảng, công ty vận chuyển và giới chức địa phương đều được chuẩn bị sẵn sàng. Chính phủ Anh cũng cần làm việc với các đối tác EU để đảm bảo những vấn đề nảy sinh tại các cảng của EU không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng hàng hóa. Báo cáo nhấn mạnh trước đây các doanh nghiệp có vài năm để chuẩn bị với bất kỳ thay đổi nào từ phía Chính phủ, nhưng hiện nay họ có chưa đầy 20 tháng để chuẩn bị cho những thay đổi mà họ thậm chí còn chưa nắm được hết. 

Chính phủ Anh có kế hoạch rời khỏi Liên minh Thuế quan EU khi tư cách thành viên chấm dứt và mong muốn đàm phán thiết lập mối quan hệ mới nhằm đảm bảo hoạt động giao thương sẽ diễn ra thông suốt và ít chi phí nhất có thể. Tuy nhiên, cho tới nay, khi hạn chót để hoàn tất các thủ tục đưa Anh rời khỏi EU chỉ còn tính theo tháng, việc đàm phán về các vấn đề hải quan hậu Brexit vẫn chưa được tiến hành. 

Trong khi Chính phủ Anh nóng lòng thúc giục và đề xuất 2 phương án để thực hiện các thủ tục hải quan giữa đôi bên hậu Brexit, thì phía EU lại một mực khẳng định việc thảo luận về quan hệ hải quan phải đợi cho tới khi có những tiến bộ trong đàm phán vốn đang diễn ra hết sức chậm chạp về quyền công dân, vấn đề biên giới Ireland và hóa đơn tài chính cho "cuộc chia tay".

TTX