Đầu năm 2019, người dân các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất ( UAE) hết sức kinh hoàng khi hơn 140 bằng cấp và chứng chỉ đại học được cấp ở nước ngoài bị phát hiện là giả mạo.

Tiến sỹ Ahmed Bilhoul Al Falasi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục sau đại học và kỹ năng tiên tiến của nước này đã phải trả lời chất vấn tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia liên bang của UAE. Ủy ban này chất vấn tại sao Bộ không kiểm soát chặt chẽ các bằng cấp của những người được Bộ cử đi học ở nước ngoài. Bộ trưởng đã phủ nhận cáo buộc và cho rằng, không một bằng cấp giả nào trong số này do Bộ cấp.

Ông giải thích thêm, trước khi công nhận bất kỳ chứng chỉ nào, Bộ bao giờ cũng yêu cầu có dấu xác nhận từ các đơn vị liên quan, chẳng hạn đại sứ quán của nước mà tấm bằng cấp đó được cấp và rồi các quan chức đại sứ quán sẽ gọi điện thoại tới trường đó và khẳng định xem liệu sinh viên đó đã học ở đó trước khi hoàn thành các tín chỉ.

Ông cho biết thêm, 143 chứng chỉ dởm bị phát hiện khi chính quyền địa phương và chính quyền liên bang ở thủ đô Abu Dhabi yêu cầu Bộ xác nhận các loại bằng cấp này trước khi tuyển dụng nhân sự.

Ở UAE, mỗi khi một cán bộ nhà nước được thăng quan, tiến chức, các hồ sơ giấy tờ của họ đều được chuyển sang Bộ Giáo dục sau đại học và kỹ năng tiên tiến thẩm định xem bằng thật hay bằng giả.

Do đó, kể cả khi đã xin được vào làm tại cơ quan nhà nước, nhưng các giấy tờ của họ sẽ được sàng lọc và chứng thực mỗi khi thăng quan, tiến chức. Điều này cho thấy, những người sử dụng bằng giả rất khó lọt vào cơ quan nhà nước và càng không có cơ hội làm quan.

Các trường hợp sử dụng bằng giả ở UAE chỉ có thể “ lừa” được các công ty tư nhân, nơi việc thẩm định hồ sơ không chặt chẽ bằng các cơ quan nhà nước.

Theo HÀ THU/TPO