Tăng chỉ số CPI

Trong bảng xếp hạng Chỉ số CPI 2017, Trung Quốc xếp thứ 77 (CPI 41/100 điểm), tăng 1 điểm (từ 40 lên 41), nâng xếp hạng (từ 79 lên 77) so với năm 2016.

Sự cải thiện thứ hạng CPI trên là thành tựu của chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” đang tiến hành sâu rộng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ngoài ra, tình trạng hối lộ thương mại cũng đang được Chính phủ Trung Quốc quan tâm khi thông qua Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.

Tăng cường hệ thống giám sát

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố xây dựng hệ thống giám sát dựa trên khung pháp lý chặt chẽ nhằm xóa bỏ tận gốc nạn tham nhũng. Theo đó, phiên họp Quốc hội thường niên vào tháng 3/2018 dự kiến thông qua quyết định thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia, đồng thời phê duyệt dự thảo luật mới cho phép điều tra công chức làm việc trong khu vực công, đảng viên hay chưa là đảng viên, nâng số đối tượng bị điều tra dự báo sẽ tăng gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu luật, việc điều tra nghi phạm tham nhũng đang tiến hành như điều tra nội bộ và nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự Trung Quốc, đồng nghĩa với chính sách bảo vệ quyền lợi của các nghi can được công bố trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2012 sẽ không được áp dụng, dù Bộ luật Hình sự sửa đổi về vấn đề này được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hệ thống tư pháp Trung Quốc.

Tong Zhiwei, giáo sư luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Thượng Hải, lo ngại quyền lực trao cho cơ quan mới sẽ vượt tầm kiểm soát của tòa án và các công tố viên.

Jiang Mingan, nhà nghiên cứu luật tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Chính phủ chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ nghi phạm, bởi 2 mục tiêu của Luật Giám sát là: 1 - tăng cường chống tham nhũng, 2 - định hướng hoạt động ủy ban chuyên trách và tránh lạm dụng quyền lực, mục tiêu thứ hai mới quan trọng hơn cả.

Quốc hội Trung Quốc hiện từ chối bình luận và cho biết sẽ trả lời các câu hỏi của phóng viên trong phiên họp tới. CCDI cũng có động thái tương tự.

Các biện pháp điều tra đặc biệt như giảm lỏng nghi phạm, tước bỏ hoàn toàn quyền công dân, bị tra tấn lấy cung dẫn đến đổi hướng điều tra, sẽ được thay thế bằng việc tạm giam nghi phạm tại những nơi có thiết bị ghi hình, ghi âm thay vì sử dụng những phòng khách sạn thông thường. Tuy nhiên, vẫn có điểm tương đồng giữa hai hình thức tạm giam nói trên, đó là các nghi phạm không được tiếp xúc với luật sư, bị tước đoạt một số quyền lợi sau khi bị bắt tạm giam.

Nhiều “hổ” lớn vào "tầm ngắm"

Giới phân tích cho rằng quá trình "lên - xuống" của Ngô Tiểu Huy - Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm và đầu tư Anbang, đồng thời là cháu rể của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - người có mối quan hệ gần gũi với giới chính khách trước của Trung Quốc, đã phản ánh thay đổi chính trị sâu sắc dưới thời ông Tập Cận Bình.

Trước đó, ngày 23/2, Ủy ban Quản lý Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) tuyên bố cách chức và khởi tố Ngô Tiểu Huy sau 6 tháng điều tra sai phạm trong quá trình điều hành Tập đoàn Anbang. CIRC sẽ kết hợp cùng Ngân hàng Trung ương và các cơ quan Chính phủ khác tiếp quản tập đoàn này trong khoảng 2 năm, tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu thông qua các nhà đầu tư mới.

Từ năm 2014, Anbang là hình ảnh biểu trưng cho khát khao vươn tầm quốc tế của doanh nghiệp Trung Quốc. Ngô Tiểu Huy liên tục xuất hiện trên truyền thông trong các thương vụ chuyển nhượng lớn với mức giá khó hiểu như khách sạn Waldorf Astoria (ở New York, Mỹ), các khách sạn ở San Francisco, Florida... (Mỹ); các hãng bảo hiểm Hàn Quốc và Hà Lan.

Theo thống kê tháng 9/2017, Anbang nắm giữ 15,5% cổ phần ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc Minsheng Bank và 10,7% cổ phần tại China Merchants Bank. 60% giá trị tài sản tập đoàn năm 2016 là đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị tài sản ước đạt 1,97 nghìn tỷ NDT (khoảng 310,9 tỷ USD), đứng thứ 139/500 công ty lớn nhất thế giới theo bảng xếp hạng Global Fortune năm 2017.

Giáo sư Sun Wujin, Đại học Nam Kinh nhận định việc tách Ngô Tiểu Huy khỏi Tập đoàn Anbang nhằm ổn định tâm lý các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tránh bán tháo cổ phiếu với số lượng lớn. Giáo sư Sun Wujin cho rằng: “Những thăng trầm trong sự nghiệp Ngô Tiểu Huy đã phản ánh rõ nét thay đổi thế cuộc Trung Quốc. Bởi trước đó, Anbang luôn tận dụng sức mạnh cổ đông lớn, nắm bắt cơ hội giai đoạn tự do hóa nền tài chính, mở rộng quy mô và ghi danh trong lĩnh vực bảo hiểm”.

Giới chuyên gia cũng cho rằng động thái của Bắc Kinh với Anbang có thể coi là sức ép, là tín hiệu rõ rệt siết chặt các quy định trước thềm kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào đầu tháng 3 tới.

Nhiều nghi ngờ cho rằng "hổ" lớn tiếp theo sẽ là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Tomorrow Group, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa, sau khi ông này bất ngờ vắng bóng trên thương trường từ tháng 1/2017. Truyền thông địa phương đưa tin người này đã bị cảnh sát bắt giữ tại khách sạn Four Seasons (Hồng Kông), trong khi đó, một số công ty con của Tập đoàn Tomorrow Group như Công ty Chứng khoán Hengtou, Công ty Bảo hiểm Huaxia đã bị bán cho nhà đầu tư mới. 

Võ Như Uyên