Tổng thống Peru Martín Vizcarra đã giải tán Quốc hội để chấm dứt cuộc chiến kéo dài một năm với các nhà lập pháp cánh hữu về chiến dịch chống tham nhũng của ông, nhưng các nhà lập pháp nổi loạn đã từ chối rời nghị viện bất chấp các cuộc biểu tình chống lại họ nổ ra trên khắp đất nước.

Cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Peru trong hai thập kỷ qua đe dọa sẽ gây ra tình trạng bất ổn ở quốc gia Nam Mỹ này và có thể khiến việc lập pháp bị đình trệ.

“Người dân Peru chúng ta đã làm tất cả những gì có thể,” ông Vizcarra nói với người dân toàn quốc trên sóng truyền hình quốc gia. Ông tuyên bố sẽ kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp mới để cử tri cân nhắc về một cuộc tranh chấp mà ông nói đã cản trở nỗ lực dập tắt nạn tham nhũng và hối lộ trong giai cấp thống trị.

Đại diện phe đối lập đã gọi ông là kẻ độc tài sau khi ông Vizcarra viện dẫn một điều trong Hiến pháp cho phép các Tổng thống giải tán Quốc hội. Nghị viện ngay lập tức bỏ phiếu tuyên bố ông tạm thời bị đình chỉ chức vụ, và chọn Phó Chủ tịch Mercedes Araoz để lên thay thế ông Vizcarra.

Nhưng một nguồn tin Chính phủ cho biết, những nỗ lực của họ là vô hiệu, vì Quốc hội đã chính thức bị giải tán.

Ông Martín Vizcarra tuyên bố giải tán Quốc hội vào tối thứ Hai. Ảnh: Juan Pablo Azabache / AFP / Getty Images

Ông Vizcarra cáo buộc Đảng Dân vệ (Popular Force), một đảng đa số đối lập do cựu ứng cử viên Tổng thống Keiko Fujimori lãnh đạo, đã cố gắng sử dụng các thể chế dân chủ để trục lợi cá nhân.

Đảng này đã chật vật vượt qua các cải cách chống tham nhũng và tuần trước đã tạm hoãn dự luật do ông Vizcarra đưa ra để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay.

Ông Vizcarra cho biết, Quốc hội vào thứ Hai bổ nhiệm một thành viên mới vào Tòa án Tối cao, tức Tòa án Hiến pháp, người mà có khả năng sẽ đóng vai trò trọng tài trong tranh chấp pháp lý giữa Quốc hội và Chính phủ.

Những ứng cử viên được đề xuất cho tối đa sáu trong số bảy thành viên của tòa án đã khiến dư luận dậy sóng vì những người này có liên quan tới các thẩm phán bị nghi ngờ dính líu đến các vụ án hình sự.

“Những gì đã xảy ra tại Quốc hội một lần nữa làm nổi bật sự không biết xấu hổ của đa số thành viên nghị viện,” ông Vizcarra nói thêm.

Nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác mỏ Peru đã bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chính trị gia tăng trong những năm gần đây, bao gồm cả việc từ chức năm ngoái của Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski trong cuộc đụng độ với Đảng Dân vệ.

Ông Kuczynski và ba Tổng thống gần đây nhất của Peru đã bị buộc tội trong một vụ bê bối hối lộ lớn liên quan đến nhà xây dựng lớn của Brazil là Odebretch.

Fujimori, con gái cựu Tổng thống độc tài Alberto Fujimori, đang bị giam giữ trước khi xét xử trong một vụ án liên quan đến Odebretch.

Người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Lima vào tối thứ Hai để gây áp lực lên các nhà lập pháp buộc họ phải rời nghị viện, trong khi cảnh sát mặc đồ chống bạo động tập trung ngay bên cạnh. Truyền thông trong nước cho biết các cuộc biểu tình ủng hộ ông Vizcarra cũng đã bắt đầu ở các thành phố khác trên cả nước.

Hầu hết người dân Peru trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc giải tán Quốc hội. Ông Vizcarra thường được chào đón trên đường phố với những tiếng hò reo cổ vũ bước đi của ông.

Hiến pháp Peru cho phép các Tổng thống giải tán Quốc hội để kêu gọi bầu cử mới nếu các nhà lập pháp hai lần bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Quốc hội hiện tại đã một lần bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ.

Ông Vizcarra cho biết ông đã coi việc Quốc hội bổ nhiệm một thành viên mới vào Tòa án Hiến pháp như một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ hai.

Nhưng các nhà lập pháp, những người đã bỏ phiếu để khôi phục lại niềm tin vào Chính phủ của ông, cho biết ông đã vượt qua giới hạn về mặt Hiến pháp bằng cách vượt quá các quyền hạn của Quốc hội để bổ nhiệm các thẩm phán tòa án.

“Ông Vizcarra và các bộ trưởng của ông sẽ phải ngồi tù. Chúng tôi sẽ được lưu danh sử sách!” cựu nghị sĩ Jorge del Castillo nói.

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)