Đó là khoảnh khắc bất ngờ hiếm hoi trong chính trường Pháp. Emmanuel Macron, trong bộ vét 1.600 euro, rao giảng với một công nhân về tầm quan trọng của lao động chăm chỉ để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Macron, khi đó là bộ trưởng kinh tế, đã thoát khỏi cuộc tranh cãi theo sau hình ảnh đối lập này. Ông chuyển sang nhà may rẻ hơn khi chiến dịch tranh cử bắt đầu và tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Người Pháp lúc đó dường như sẵn lòng tha thứ cho chính trị gia trẻ tuổi đầy tài năng vì một phút vô tình tỏ ra cao ngạo và xa cách.

Tuy nhiên, 6 tháng sau khi Macron lên nắm quyền, sự rộng lượng ấy đã không còn. Tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm 1/3 so với ngày bầu cử và đà lao dốc này không có dấu hiệu dừng lại.

Lời nói mất lòng

Đối thủ chính trị của ông, đại diện phe cực tả Jean-Luc Melenchon, đang chuẩn bị tổ chức cuộc biểu tình lớn chống lại cuộc cải cách lao động của Macron vào cuối tuần này.

Thay vì kết nối với những người biểu tình, tổng thống trẻ tuổi lại khiến họ tức giận với những lời nhạo báng như “những kẻ lười biếng”, “chẳng nghĩa lý gì” và “đất nước không thể cải cách” vì những người như họ.

Với những người ủng hộ Macron, cách dùng từ của ông cùng với những cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa thật khó hiểu nếu không muốn nói là gây phẫn nộ.

"Đó có phải là người đã hứa đoàn kết nước Pháp sau phong trào trung dung Nền Cộng hòa Tiến bước (LRM) và vận động tranh cử với khẩu hiệu 'bảo vệ' tất cả người dân Pháp hay không?", Politico đặt câu hỏi.

Nếu đó vẫn là cùng một người thì chức vụ tổng thống ắt hẳn đã khiến ông thay đổi sâu sắc. Các đảng viên của LRM cho rằng tổng thống đang hướng tới chương trình nghị sự thiên hữu xa lạ với nhiều cựu đảng viên Xã hội, những người đã giúp ông lên nắm quyền hồi tháng 5.

Trên phương diện chính trị, thái độ của Macron có thể được mô tả chỉ bằng một từ: Kiêu ngạo.

“Lời nói của Macron như tát vào mặt người khác, vậy mà tổng thống lại chẳng bận tâm”, Jerome Fourquet, giám đốc điều hành của hãng thăm dò dư luận Ifop, cho biết.

“Không chỉ tầng lớp lao động bình dân mà một số người thuộc cánh tả trong tầng lớp trung lưu từng ủng hộ Macron cũng cảm thấy ông ấy là người kiêu ngạo và luôn khinh thường người khác”, ông nói.

Theo Fourquet, những lần dại miệng của Macron cùng với các chính sách như giảm trợ cấp nhà ở và cải cách lao động đang góp phần khiến tổng thống Pháp mất điểm trong lòng công chúng.

Nội bộ rạn nứt

Trong khi đó, những người bảo vệ Macron cho rằng cuộc tranh luận về ngôn từ của tổng thống là không công bằng và không nên được liên hệ với các chính sách của ông.

“Khi Macron nói về những kẻ cực đoan và lười biếng trong bài phát biểu của mình, ông ấy muốn chỉ những lãnh đạo đang ngáng đường cải cách, không phải những người thất nghiệp”, một trợ lý giấu tên nhận xét.

Trong bài phát biểu ở Hy Lạp, tổng thống từng nói ông sẽ không để cuộc cải cách của mình bị “trật bánh” bởi “những kẻ lười biếng hoặc hoài nghi”.

“Anh có thấy cựu Tổng thống Valery Giscard d'Estaing cởi áo khi tới nhà máy Whirlpool như Macron hay không? Đó có phải là kiêu ngạo không?", trợ lý này nói.

Tong thong Macron truot dai vi thai do ngao man, xa cach hinh anh 2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm đảo St Martin, hòn đảo ở biển Caribbe bị bão Irma quét qua, ngày 12/9. Ảnh: Getty.

Jerome Grand d'Esnon, một người ủng hộ khác của Macron, cho rằng các đối thủ đang tìm cách khai thác cách nói thẳng thắn của tổng thống để bắt lỗi ông.

“Người Pháp chọn Macron để cải cách, việc ông ấy có được yêu mến hay không sẽ không ảnh hưởng đến chương trình cải cách của ông ấy”, Grand d'Esnon, người từng là giám đốc chiến dịch tranh cử của Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, nói thêm.

Tuy nhiên, những người thăm dò dư luận, đối thủ và các đảng viên bất đồng chính kiến lại có quan điểm khác. Họ cho rằng thái độ khinh khi của Macron với công chúng sẽ ảnh hưởng lớn và lâu dài tới kế hoạch cải cách của ông.

Dấu hiệu chuyển dịch thiên hữu trong chính sách của ông sẽ khiến những người ủng hộ cánh tả xa lánh và đẩy tầng lớp cử tri bình dân vào vòng tay của các chính trị gia dân túy.

Họ lập luận rằng Macron không chỉ tự chuốc lấy thất bại trong các cuộc bầu cử sắp tới (bầu cử Thượng viên vào ngày 24/9, bầu cử địa phương và Nghị viện châu Âu vào năm 2019) mà còn thử thách sự đồng lòng của những người ủng hộ ông trong Quốc hội.

Nhóm của Macron bắt đầu có những dấu hiệu chia rẽ. Hôm 19/9, nghị sĩ Brigitte Bourguignon tiên đoán sự thiếu đoàn kết trong đảng sẽ dẫn tới việc các nghị sĩ rời bỏ để gia nhập hàng ngũ đối lập.

Nỗi lòng tổng thống

Tại những cuộc mít tinh phản đối kế hoạch cải cách lao động, những người biểu tình đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng câu từ của tổng thống.

Nghị sĩ Melenchon đã biến những lời của Macron thành lời hiệu triệu: “Hỡi những kẻ ngốc, những kẻ hoài nghi, những kẻ lười biếng – tất cả hãy xuống đường vào ngày 12 và 23/9!”, ông viết trên Twitter.

Những người phản đối đã thêm từ “những kẻ lười biếng” vào hàng chục câu khẩu hiệu và biểu ngữ.

Tại một cuộc mít tinh ở Paris, một số người nói với Politico rằng họ cảm thấy bị nhắm đến trong những lời lẽ của tổng thống về những nhà ga đầy ắp “những kẻ chẳng nghĩa lý gì”, về những người “thất học” ở miền Bắc nước Pháp và về một đất nước “không thể cải cách” vì người dân ghét thay đổi.

Tong thong Macron truot dai vi thai do ngao man, xa cach hinh anh 3

Một người biểu tình với tấm bảng đề dòng chữ "Bao nhiêu kẻ lười biếng với mức lương tối thiểu để làm giàu cho một tay chủ nhà băng" trong cuộc biểu tình phản đối đạo luật cải cách lao động ở Nantes, Pháp, ngày 21/9. Ảnh: Getty.

Grand d'Esnon cho rằng vấn đề không hẳn là cách dùng từ của tổng thống mà là quan hệ của ông với truyền thông. “Không ai có thể giải thích hành động của tổng thống cũng như đưa ra kiến thức nền giúp mọi người hiểu rõ những gì ông ấy đang nói và làm”, ông nhận xét.

Khi Macron không được lòng giới truyền thông, những lần lỡ lời của ông trở thành tin tức lớn, thậm chí còn được tô vẽ thêm.

Fourquet cho biết những người tham gia cuộc thăm dò dư luận vẫn đề cập tới clip tổng thống lau tay bằng chất khử trùng sau khi tiếp xúc với người dân dù sau đó sự việc đã được làm sáng tỏ là ông Macron chỉ lau tay sau khi bắt một con lươn.

Những tranh cãi kiểu này đang khiến tổng thống và các cử tri ngày càng xa cách. Fourquet cho biết lời nhận xét về “những kẻ lười biếng” của Tổng thống Macron cũng giống như khi Hillary Clinton gọi những người ủng hộ Donald Trump là “những kẻ đáng thương hại”.

“Đó là những lời nhận xét có thể bị phe đối lập tận dụng khi tổ chức biểu tình, bởi vì nó dường như thể hiện chính xác cách mà nhà lãnh đạo, trong trường hợp này là Macron, thực sự nghĩ về đối thủ của mình: Họ là những kẻ biếng nhác, những kẻ chẳng nghĩa lý gì”, Fourquet nói.

Theo Tuyết Mai/Tri Thức Trực Tuyến