Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), Giám đốc tài chính của Huawei và là con gái của nhà sáng lập tập đoàn, đã bị bắt tại sân bay Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ. 

Phía Trung Quốc đã yêu cầu thả bà và phát biểu việc bắt giữ trên là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Các cáo buộc vẫn chưa được công khai. Trong khi đó, Huawei nói rằng: “Bà Mạnh không hề thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật nào”. Tuy nhiên, Mạnh Văn Chu sẽ phải đối mặt với một phiên xử tại ngoại.

Việc bắt giữ xảy ra vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Các quốc gia đang kìm kẹp lẫn nhau trong cuộc chiến tranh thương mại mà cả hai đã và đang áp đặt các mức thuế quan hàng tỷ đô la lên hàng hóa của nhau.

Bà Mạnh bị bắt vào hôm 1/12, cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ăn tối với nhau ở Buenos Aires, Argentina, khi tới dự hội nghị thượng đỉnh G20. Sau cuộc gặp, hai bên đã đạt được một thỏa thuận tạm dừng chiến tranh thương mại trong 90 ngày.

Việc bắt giữ người có tầm ảnh hưởng lớn như bà Mạnh đã khiến phía Trung Quốc giận dữ và đe dọa sẽ càng làm quan hệ với Mỹ căng thẳng thêm.

Các báo cáo trước đó cho rằng việc bắt giữ bà mạnh có thể liên quan đến cuộc điều tra của Mỹ về những sai phạm trong các biện pháp trừng phạt Iran.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton từ chối bình luận về vấn đề này khi được các nhà báo đặt câu hỏi. Thay vào đó, ông cho biết xét trên bình diện chung, ông có “mối lo ngại to lớn” đối với các hoạt động của những doanh nghiệp Trung Quốc và các hoạt động của họ có thể là “vũ khí” của chính phủ.

Diễn biến của việc bắt giữ đến thời điểm này

Những cáo buộc đối với bà Mạnh đến giờ vẫn còn là ẩn số sau khi bà yêu cầu lệnh cấm công bố trên truyền thông và được chấp thuận bởi thẩm phán Canada.

Việc bắt giữ không được chính quyền Canada tiết lộ cho đến thứ Tư, ngày bà xuất hiện trước tòa lần đầu tiên.

Trao đổi với các phóng viên ở Montreal, Thủ tướng Trudeau cho biết, Chính phủ của ông được thông báo về vụ bắt giữ một vài ngày trước đó, nhưng điều này không chứng minh được bất cứ vai trò nào của Canada. “Tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng chúng tôi là một quốc gia với hệ thống tư pháp độc lập”, ông nói.

Tại sao Huawei lại là mối lo ngại lớn đối với phương Tây?

Một số Chính phủ phương Tây lo sợ Bắc Kinh sẽ nhanh chóng tiếp cận mạng di động 5G và những mạng lưới viễn thông khác thông qua Huawei và sau đó là mở rộng khả năng gián điệp, dù Huawei khẳng định không chịu sự kiểm soát từ Chính phủ.

Ảnh: REUTERS
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã nhiều lần cáo buộc công ty là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. 
Bên cạnh đó, tuy không cụ thể nhắc đến Huawei, Cố vấn An ninh quốc gia - ông Bolton cũng nói rằng đất nước có “mối quan tâm sâu sắc suốt thời gian dài” đối với những hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc, cụ thể là “đánh cắp và sử dụng những sản phẩm trí tuệ của Mỹ, tham gia vào các cuộc chuyển giao công nghệ bắt buộc, đóng vai trò như những vũ khí đắc lực cho các mục tiêu công nghệ thông tin của Trung Quốc”.

Nhật dự kiến sẽ cấm Chính phủ sử dụng các sản phẩm do Huawei và ZTE sản xuất, theo như phương tiện truyền thông quốc địa phương đưa tin về mối quan tâm an ninh mạng vào hôm thứ Sáu. 

Việc này sẽ được thực hiện sau đó bởi New Zealand và Úc để ngăn chặn các ý đồ của Huawei.

Quan điểm từ phía Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên “giam giữ mà không đưa ra bất kỳ lí do nào là vi phạm nhân quyền của một người. Chúng tôi chính thức đưa ra những yêu cầu đối với Canada và Mỹ về việc cả hai bên phải ngay lập tức làm rõ lý do bắt giữ và thả người đang bị tạm giữ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người đó”.

Trong một tuyên bố, Huawei cho biết họ đã tuân thủ “tất cả các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm cả những quy định kiểm soát xuất khẩu của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và EU”. 

Phía công ty cũng cho biết trong một bức thư gửi các nhà cung cấp: “Chúng tôi tin rằng Chính phủ Mỹ đã không thỏa đáng khi sử dụng phương pháp này để gây áp lực lên các bên kinh doanh. Hành động của họ đang chống lại bản chất của kinh tế tự do và cạnh tranh công bằng”.

Thu Uyên (Theo BBC News)