Đáng chú ý, nếu các đề xuất cải cách không được thông qua, Tổng thống sẽ có quyền giải tán Quốc hội.
 
Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình tối 29/5, ông Vizcarra đã dẫn một điều khoản hiến pháp cho phép Tổng thống yêu cầu tổ chức bầu cử Quốc hội mới nếu các đề xuất cải cách bị từ chối.
 
5 cải cách trong đề xuất của ông Vizcarra nhằm mục đích ngăn chặn tham nhũng, bao gồm những biện pháp thanh lọc hoạt động tài trợ cho các chiến dịch tranh cử, củng cố các đảng phái chính trị, chấm dứt quyền miễn trừ truy tố với các nghị sĩ, cắt giảm các đặc quyền và cấm những người bị kết án tham nhũng ra tranh cử.
 
Tuy nhiên, những cải cách chính trị của ông vẫn chưa được thông qua trong khi các đề xuất khác bị phe đối lập gác lại hoặc bỏ phiếu phản đối. 1 trong 5 đề xuất cải cách của Tổng thống đã bị Quốc hội nước này bác bỏ.
 
Quốc hội Peru bị chi phối bởi đảng của lãnh đạo phe đối lập Keiko Fujimori - người hiện đang bị giam giữ phục vụ quá trình điều tra liên quan đến các tội danh rửa tiền.
 
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Peru nhấn mạnh, cuộc chiến chống tham nhũng là trọng tâm hành động của chính quyền đương nhiệm, đồng thời cáo buộc các nghị sĩ Quốc hội cản trở nỗ lực của Chính phủ.
 
Người đứng đầu Peru khẳng định, Chính phủ sẽ đấu tranh tới cùng để đạt được mục tiêu đề ra vì đây là điều người dân Peru xứng đáng được nhận.
 
Tuy nhiên, yêu cầu quyết liệt trên của Tổng thống đã tạo ra một làn sóng phản đối từ đồng minh của các nghị sĩ đối lập và nhiều khả năng sẽ kéo theo các cuộc tranh luận về tính hợp pháp của hành động này.
 
Nghị sĩ đối lập Luz Salgado cho biết, Quốc hội sẽ xem xét yêu cầu tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với các biện pháp cải cách của Tổng thống sau khi hoàn tất chuyến thăm các khu vực cử tri đã được lên kế hoạch trong tuần này.
 
Trong khi đó, ông Vizcarra tin tưởng, hầu hết người dân Peru ủng hộ ông cũng như những đề xuất của ông sau hàng loạt những vụ bê bối ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của các chính đảng lớn và nhiều tổ chức trong những năm gần đây. Kết quả khảo sát mới được nhật báo La Republica công bố gần đây cũng cho thấy, khoảng 55% người dân Peru ủng hộ phương án đưa các đề xuất ra bỏ phiếu tín nhiệm.
 
Trước khi ông Vizcarra phát biểu trên truyền hình, Thẩm phán Tòa án Tối cao Peru Ernesto Blume cảnh báo việc tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ nên được thực hiện khi mọi nỗ lực đối thoại đều thất bại.
 
Nếu Quốc hội Peru bỏ phiếu bất tín nhiệm với các đề xuất của Tổng thống và ông Vizcarra cuối cùng quyết định giải tán Quốc hội thì các cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức sớm nhất là trong năm nay.

Hoài Phương