Theo tờ Jakarta Post (Indonesia), khi Chính phủ thông báo kế hoạch cho các trường đại học có hiệu trưởng là người nước ngoài, đã có những tin đồn về một cuộc chiến vừa chớm nở. Giáo sư Asep Saefuddin, Hiệu trưởng của Trường Đại học Al-Azhar đã cho rằng, nguyên nhân của sự thiếu tiến bộ tại các trường đại học ở địa phương là do “bộ máy quan liêu quá mức”, dẫn tới việc thiếu tự chủ về tài chính trong các trường đại học; các hiệu trưởng thiếu năng động, sáng tạo; các giảng viên không được trả lương đầy đủ và tồn tại nhiều thách thức trong việc xin giấy phép cho các đề tài nghiên cứu khoa học.
 
Nhiều người có chung quan điểm với ông Asep Saefuddin. Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến khác. Theo Bộ trưởng Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục Đại học Mohamad Nasir, Chính phủ Indoneisa đã và đang học hỏi kinh nghiệm của các trường đại học nước ngoài để tiến hành những biện pháp cải cách, mang lại những tiến bộ đáng kể...
 
Trong khi thực tế, một số giáo sư Indonesia hiện là những giảng viên, nhà nghiên cứu danh tiếng ở nước ngoài. Như ông Yanuar Nugroho, một cán bộ Văn phòng Tổng thống, giảng viên của Đại học Manchester (Anh); Ariel Heryanto, một học giả tại Đại học Monash (Australia); và Vedi Hadiz, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Melbourne (Australia); Merlyna Lim, chủ nhiệm nghiên cứu về các mạng kỹ thuật số và giảng dạy tại các trường đại học ở Mỹ và Canada…
 
Khi đặt câu hỏi, tại sao những giáo sư này đã dành hàng thập kỷ công tác ở nước ngoài thay vì đóng góp cho sự phát triển giáo dục ở quê nhà, câu trả lời của họ thường giống nhau. Đó là: Môi trường văn hóa đại học sôi động, đầy hứng thú hơn ở Indonesia cho phép họ sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn.
 
Những báo cáo mới đây nhất về nghi vấn tham nhũng trong việc lựa chọn hiệu trưởng trường đại học là lời nhắc nhở về môi trường văn hóa giáo dục đại học trong nước trì trệ, chưa nói tới việc thiếu kinh phí dành cho giáo dục đại học và thiếu các bài báo khoa học cũng như sự phát triển của các nghiên cứu khoa học.
 
Kỷ nguyên trật tự mới đã cho thấy sự ủng hộ các quyền tự do, trong đó có quyết định cho phép bầu cử chức danh hiệu trưởng. Các cuộc bầu cử như vậy được coi là một bước đột phá trong việc xóa bỏ tệ quan liêu và thúc đẩy sự năng động, sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục đại học.
 
Tuy nhiên, chức danh hiệu trưởng hiện nay ở Indonesia đã trở thành một “mặt hàng” chính trị. Ngày 31/7 vừa qua, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Jakarta (UNJ) Hafid Abbas và lãnh đạo một số trường đại học khác đã yêu cầu Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) trợ giúp trong việc bảo vệ cuộc bầu cử hiệu trưởng các trường đại học khỏi mối đe dọa tham nhũng và các xung đột lợi ích. Họ đã đưa thông tin về các cáo buộc hối lộ và những lời hứa về các khoản tiền thưởng xung quanh quá trình bầu cử. Các cáo buộc tương tự được tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử hiệu trưởng đang diễn ra tại Đại học Indonesia - ngôi trường đã có nhiều nỗ lực để lọt vào top 500 trường đại học tốt nhất thế giới, theo Xếp hạng Đại học Thế giới Quacquarelli 2020.
 
Các quy định hiện hành ở Indonesia về bầu cử đại học đặt ra yêu cầu phải xem xét chặt chẽ. Bộ trưởng Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục Đại học có tương đương 35% phiếu bầu. Theo Tổ chức độc lập Giám sát Tham nhũng Indonesia, quy định này cho thấy tồn tại nguy cơ thiên vị và xung đột lợi ích.
 
Để loại bỏ tham nhũng tràn lan và “mãn tính” trong hệ thống giáo dục đại học, một giải pháp được đưa ra là giáo dục sinh viên từ sớm về tầm quan trọng của liêm chính.

 Ngọc Anh