Tham nhũng, rào cản đói nghèo và thiếu hụt nhân sự đã góp phần làm bùng lên bê bối vaccine mới nhất của Trung Quốc, chỉ 1 thập kỷ sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine làm suy yếu nghiêm trọng niềm tin của cộng đồng về an toàn thực phẩm và thuốc ở quốc gia này.

Phải ghi nhận hệ thống tiêm chủng của Trung Quốc đã có những bước tiến trong vài thập kỷ gần đây, với hệ thống quản lý đạt được sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và 4 loại vaccine đã được thẩm định để phân phối với các cơ quan của Liên Hợp quốc tại các quốc gia khác. Thêm vào đó, hơn 99% các mẫu vaccine được kiểm tra bởi cơ quan điều hành thuốc của Trung Quốc đã đạt tiêu chuẩn.

Nhưng các ông bố bà mẹ lại một lần nữa bị "sốc" trước tính an toàn của dược phẩm, khi vụ bê bối vaccine mới đây cho thấy hơn 360.000 trẻ em được tiêm vaccine DPT bắt buộc không đạt tiêu chuẩn. Đây là loại vaccine 3 trong 1 chống bạch hầu, ho gà và uốn ván.

Những người trong ngành cho biết, thất bại trên là kết quả của việc các công ty dược không tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất, thêm vào đó là thiếu các biện pháp thanh tra, kiểm tra và trừng phạt mạnh tay.

Một người từng công tác tại Viện Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia - cơ quan có trách nhiệm kiểm tra thực phẩm và thuốc của Trung Quốc - cho biết, các cơ quan giám sát chính thức không đủ nhân sự để thẩm định, bảo đảm thuốc đạt tiêu chuẩn và ngành công nghiệp này đang phụ thuộc vào sự tuân thủ của các công ty dược.

“Chúng tôi là đơn vị duy nhất ở Trung Quốc có khả năng kiểm tra chất lượng và hiệu quả của vaccine - các viện kiểm nghiệm cấp tỉnh không thể làm điều này... Trung Quốc mỗi năm sản xuất ra hơn 1 tỷ vaccine. Lỗ hổng là rất lớn. Không quốc gia nào trên thế giới đủ nhân lực để kiểm tra tất cả vaccine trước khi đưa chúng ra thị trường", nguồn tin cho biết.
Theo hệ thống phân phối vaccine lớn của Trung Quốc, mỗi lô được kiểm tra về mặt hóa học và sinh học trước khi bán ra theo chuỗi cung ứng. Khoảng 5% mẫu được kiểm tra, trong đó, những mẫu được đưa vào thử nghiệm cũng không được kiểm tra về tất cả các chỉ số hiệu quả.

“Phải mất vài tuần để kiểm tra tác dụng trên động vật. Chúng tôi cũng cần phải kiểm tra dữ liệu quan trọng mà phía công ty cung cấp và sẽ cho phân phối lô vaccine nếu thấy các dữ liệu đạt tiêu chuẩn. Nhưng điều đó phải dựa trên việc các công ty cung cấp cho chúng tôi dữ liệu chân thật”, nguồn tin cho biết thêm.

Các vaccine dính bê bối mới nhất được sản xuất bởi nhà sản xuất vaccine lớn - Công ty công nghệ sinh học Changchun Changsheng Bio-technology. Công ty này đã được phê duyệt cho phân phối hơn 250.000 lô vaccine DPT và bán chúng ở tỉnh Sơn Đông trước các cuộc kiểm tra vào tháng 11 phát hiện các mẫu thử nghiệm không đáp ứng mức hiệu quả được chỉ định.

Một cuộc thanh tra không báo trước vào tháng 7 đã phát hiện công ty này giả mạo dữ liệu sản xuất, dữ liệu xử lý và dữ liệu thử nghiệm, vi phạm nghiêm trọng các quy định của ngành.

Những vi phạm này thuộc tội "bán thuốc kém chất lượng", sẽ phải chịu phạt gấp 3 lần doanh thu thu được từ dược phẩm. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng “đây chỉ là một sợi tóc trên 9 cái đầu đối với các công ty dược phẩm, và còn xa mới chạm đến sự sợ hãi của họ".

Tao Lina, một bác sỹ phụ trách các chương trình tiêm chủng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thượng Hải cũng cho rằng, mức phạt là quá nhẹ, không đủ sức để răn đe, ngăn chặn các hành vi sai phạm.

Theo nguồn tin từng công tác tại Viện Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia, để ngăn chặn các vi phạm tốt hơn, cần mở rộng và tiến hành thường xuyên các cuộc thanh tra, kiểm tra các công ty nhằm bảo đảm việc sản xuất đạt tiêu chuẩn, đồng thời tăng nặng mức phạt để người khác không còn nghĩ tới vi phạm.

Vụ bê bối này xảy ra sau hơn 1 thập kỷ kể từ khi Zheng Xiaoyu, cựu lãnh đạo Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Quốc gia bị xử tử vì nhận hối lộ để đổi lại việc không kiểm chứng thuốc và các dụng cụ y tế.

Tham nhũng trong hệ thống quản lý vẫn dai dẳng, khi thị trường vaccine tự nguyện có tài trợ có thể sinh lợi sẽ tạo động cơ cho các cơ quan quản lý thuốc và các trung tâm kiểm soát bệnh tật gây ảnh hưởng tới việc thẩm định, phê duyệt.

Những phán quyết của tòa án trên trang China Judgments Online chỉ ra rằng, các quan chức đã nhận từ hàng nghìn cho tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ để phê duyệt một vaccine.

Đơn cử như Yin Hongzhang, cựu Trưởng phòng Đăng ký sản phẩm sinh học, sau này là Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc, đã nhận 3 triệu nhân dân tệ hối lộ từ 9 nhà sản xuất vaccine để đẩy nhanh việc phê duyệt vaccine của họ ngay cả khi dữ liệu kiểm tra bị thiếu. Yin đã bị phạt 10 năm tù vào năm ngoái.

Hồ sơ của tòa án cho thấy, một số quan chức Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cấp cơ sở cũng đã bắt đầu nhận lại quả từ việc giới thiệu vaccine. Một quan chức được xác định là “Xia”, từng đứng đầu chương trình tiêm chủng tại quận Yuhua ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, đã nhận 100.000 nhân dân tệ hối lộ từ một công ty không được cấp phép bán vaccine, đổi lại việc mua 1,57 triệu nhân dân tệ vaccine thủy đậu và cúm tự nguyện từ năm 2012.

Ông này đã bị kết án 1 năm tù giam vào năm ngoái.

Vụ việc tương tự của nhân viên CDC nhận hối lộ để mua từ các đại lý vaccine chưa được cấp phép xảy ra ở Phúc Kiến, Nội Mông và Hồ Bắc.

Cách đây 2 năm, một vụ bê bối liên quan đến 570 triệu nhân dân tệ đã bùng phát ở Sơn Đông, qua đó vỡ lở việc các vaccine được lưu trữ không đúng hoặc hết hạn đã bị bán bất hợp pháp trên khắp đất nước trong nhiều năm. 

Hiện, các CDC cấp cơ sở đã được lệnh mua trực tiếp từ các nhà phân phối vaccine để ngăn chặn tham nhũng.

Hoài Phương