Chưa kể, công tác điều tra gặp khó khăn bởi sự phức tạp, tốn kém khi tham nhũng “khủng” thường là các hành vi xuyên biên giới, liên quan đến các mối quan hệ của quan chức khu vực công và tư nhân trong các dự án trên nhiều khu vực pháp lý.
 
Để giải quyết vấn đề miễn trừ, các thành viên của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đang nghiên cứu về những cải cách đối với các tổ chức tư pháp quốc tế. Trong đó, theo đuổi một “ý tưởng lớn”, trước khi diễn ra Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGASS) về chống tham nhũng vào tháng 4/2021.
 
Chính phủ Colombia và Thẩm phán cấp cao của Mỹ Mark Wolf đã đề xuất việc thiết lập một tòa án chống tham nhũng quốc tế có thẩm quyền đối với các vụ án tham nhũng lớn mà các quốc gia không thể hoặc không muốn theo đuổi.
 
Một số giải pháp có thể thực hiện
 
Bên cạnh đề xuất về một tòa án độc lập, Gillian Dell - Trưởng ban Công ước của TI đưa ra 6 cải cách tiềm năng khác cho nền móng luật hình sự quốc tế. Đó là:

Thứ nhất, mở rộng quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Thứ 2, đề xuất về tòa án chống tham nhũng khu vực tương tự như tòa án nhân quyền khu vực đã tồn tại. Điều này đang được xem xét ở châu Phi theo Nghị định thư Malabo và trong các cuộc thảo luận tại Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Thứ 3, công tố viên/cơ quan thực thi chống tham nhũng của quốc tế hoặc khu vực (như Văn phòng Công tố viên châu Âu) cung cấp các kinh nghiệm, mô hình về cách thức hoạt động của mình.

Thứ 4, đề xuất về cơ quan điều tra của quốc tế hoặc khu vực (như Trung tâm điều phối chống tham nhũng quốc tế được thành lập bởi Vương quốc Anh vào tháng 7/2017).

Thứ 5, về một cơ cấu tổ chức cho các tòa án chống tham nhũng quốc tế, trọng điểm ở một quốc gia. Tòa án này có thể theo mô hình của các tòa án hình sự quốc tế về tội ác tàn bạo ở Rwanda, Yugoslavia, Sierra Leone và Campuchia.

Thứ 6, về một cơ cấu tổ chức cho các cơ quan điều tra hoặc truy tố quốc tế, trọng điểm ở một quốc gia. Ví dụ nổi bật là Ủy ban quốc tế chống quyền miễn trừ tại Guatemala (CICIG) được Liên hợp quốc thành lập năm 2006.
 
Hiểu về tham nhũng lớn
 
Những vấn đề nêu trên đều khá phức tạp, cần sự nghiên cứu chuyên sâu và thảo luận nhiều bên liên quan trong một thời gian dài. Theo ông Gillian Dell, cần đánh giá các đề xuất và sự kết hợp các nhóm giải pháp, theo những tiêu chí bao gồm tính khả thi chính trị, hiệu quả và chi phí.
 
Và điều quan trọng trước hết, là cần hiểu vấn đề. Thế nên, nội dung đầu tiên trong các cuộc thảo luận là phải phân tích về vấn đề tham nhũng lớn với các biểu hiện, thách thức của nó. Tại đó, nhấn mạnh các loại hoạt động tội phạm, những tác động tiêu cực và nguyên nhân của sự miễn trừ.
 
TI đã làm việc với nhóm chuyên gia để phát triển một định nghĩa pháp lý mới về “tham nhũng lớn”. Theo đó, tham nhũng lớn có 3 đặc trưng chính, đó là: Một kế hoạch tham nhũng; sự tham gia của một quan chức nhà nước cấp cao; và gây tổn hại nghiêm trọng, có thể dưới dạng chiếm dụng ở quy mô lớn các nguồn lực công hoặc vi phạm thô bạo quyền con người.
 
Tham nhũng lớn có tác động tàn phá tới mọi người trên toàn thế giới, ngăn cản thành tựu của các Mục tiêu Phát triển bền vững. Đã đến lúc các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thực sự nghiêm túc trước vấn đề này và theo sát các khuyến nghị được nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc thông qua trong Tuyên bố Oslo hồi tháng 6/2019.
 
Dự kiến tháng 6 năm nay, các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) sẽ bắt đầu đàm phán tại Vienna (Áo) về tuyên bố chống tham nhũng dự kiến được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm tới. 

Hoài Phương