Tham nhũng thể thao

Năm 2015 được cho là năm bê bối nhất của thể thao thế giới. Hàng loạt quốc gia bị tố "mua" phiếu bầu nhằm giành quyền đăng cai các kỳ WorldCup, trong đó có Đức (WorldCup 2006), Nam Phi (2010), Nga (2018), Qatar (2022)…

Dưới sự điều hành của bà Loretta Lynch - Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, người phụ nữ được cho là "khắc tinh" của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), hàng chục quan chức, cựu quan chức FIFA bị điều tra, bị bắt giữ và bị dẫn độ vì dính líu tới các hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, rửa tiền và mua bán phiếu bầu. Trong số hàng chục người bị bắt giữ đó, có cả cựu và đương kim Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribe (Concacaf), cựu và đương kim Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (Conmebol), Phó Chủ tịch FIFA cùng nhiều quan chức đứng đầu nền bóng đá ở nhiều quốc gia khác nhau. Và mới đây nhất, ngày 21/12, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Chủ tịch UEFA (Liên đoàn Bóng đá châu Âu) Michael Platini đã bị Ủy ban Đạo đức FIFA áp dụng lệnh cấm hoạt động trong lĩnh vực bóng đá trong vòng 8 năm, vì liên quan tới nhiều bê bối tài chính ở FIFA.

Không chỉ riêng FIFA mà nhiều tổ chức thể thao quốc tế khác cũng không thoát khỏi "vòng vây" của tham nhũng trong năm vừa qua. Điển hình là vụ bê bối tham nhũng, nhận hối lộ liên quan đến phát hiện chất kích thích trong lĩnh vực điền kinh. Vụ việc bị phanh phui khi 1 quan chức của Ủy ban Chống chất kích thích (doping) Quốc tế tố Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) đã che giấu nhiều vụ bê bối vận động viên sử dụng doping, trong đó chủ yếu là các vận động viên  người Nga.

Cũng từ việc phát hiện ra bê bối này mà hàng loạt quan chức của IAAF bị điều tra, nhiều chủ tịch liên đoàn điền kinh các nước (trong đó có Nga) phải từ chức và cũng bị điều tra. Và đỉnh điểm là cựu Chủ tịch IAAF Lamine Diack bị điều tra, giám sát vì liên quan đến hành vi nhận hối lộ và rửa tiền.

Không chỉ FIFA, IAAF, mà giờ đây, nhiều tổ chức thể thao quốc tế khác như Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng đã vào cuộc điều tra về hành vi tham nhũng, hối lộ, mua bán quyền đăng cai tổ chức các kỳ thế vận hội. Tất cả đều chung một mục đích, một quyết tâm là làm trong sạch lại lĩnh vực thể thao trên toàn cầu.

Tham nhũng chính trị

Chính trị gia, lãnh đạo cấp cao ở nhiều quốc gia vốn luôn được hưởng quyền miễn trừ truy tố khi còn tại chức. Thế nhưng, với hành vi tham nhũng "siêu khủng" của họ thì cơ quan tư pháp và người dân buộc phải có nhiều biện pháp nhằm ép các chính trị gia, các vị lãnh đạo đứng đầu đất nước phải từ chức và thậm chí còn bị điều tra, truy tố.

Ở Guatemala (một quốc gia khu vực Trung Phi), tham nhũng đã khiến hàng loạt bộ trưởng phải từ chức và ngay cả Phó Tổng thống Roxana Baldetti Elias cũng bị bắt giữ (cuối tháng 8/2015), còn Tổng thống Otto Pérez bị yêu cầu phải từ chức. Nhưng do kiên quyết không chịu nhường "ghế" nên đầu tháng 9/2015, Quốc hội nước này đã phê chuẩn hủy bỏ quyền miễn trừ của Tổng thống và ngay sau đó, cơ quan tư pháp đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống để điều tra liên quan đến đường dây tham nhũng, nhận hối lộ, trốn thuế và rửa tiền lên tới hàng tỷ USD của nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ Guatemala.

Từ Phi sang Âu, ở đâu cũng có tham nhũng. Nhiều cuộc biểu tình phản đối Chính phủ, phản đối tham nhũng diễn ra triền miên, liên tục ở nhiều quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Rumani… Như biểu tình ở Rumani, hồi tháng 7/2015, phản đối đương kim Thủ tướng Victor Ponta vì liên quan đến một vụ bê bối tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền khi còn đang là một luật sư.

Ở Nam Mỹ thì không thể không nhắc đến vụ bê bối tham nhũng thuộc vào hàng khủng nhất xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras). Vụ bê bối đã khiến không ít quan chức Chính phủ "ngã ngựa" và bị điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ của Petrobras. Trong đó, phải kể đến Eduardo Cunha - Chủ tịch Hạ viện Brazil bị điều tra tham nhũng và có tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ và Delcidio do Amaral - Chủ tịch Nhóm Thượng Nghị sĩ của Đảng Lao động (đảng cầm quyền) bị giám sát để phục vụ điều tra liên quan đến hành vi nhận hối lộ của Tập đoàn Petrobras. Ngay bản thân đương kim Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, cũng liên tục bị cáo buộc liên quan và bao che cho cấp dưới thực hiện các hành vi nhận hối lộ và rửa tiền.

Tham nhũng "đụng" lung tung, thế nên, châu Á cũng không thoát khỏi vòng vây của tham nhũng. Từ Iraq, Afghanistan, vốn đang phải chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh triền miên, thì lại tiếp tục bị đè nén, áp bức vì tệ tham nhũng của các quan chức chính quyền, đến Malaysia, Ấn Độ, Indonesia… cũng không nằm ngoài sự càn quét của tham nhũng.

Chu Vĩnh Khang (tóc trắng đứng giữa) - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc cúi đầu nhận bản án tù chung thân vì hành vi tham nhũng, nhận hối lộ của mình. Ảnh: CCTV13

Còn tại Trung Quốc, từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền và phát động cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi", nhiều quan chức cấp cao, nhiều tướng lĩnh đã bị cách chức, điều tra và truy tố về hành vi tham nhũng. Đặc biệt nhất là vụ xét xử cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Với cáo trạng chỉ rõ hành vi nhận hối lộ hơn 21 triệu USD, vợ và con trai của Chu Vĩnh Khang đã lợi dụng quyền uy của người thân để tích lũy bất chính số tài sản hơn 300 triệu USD, Chu Vĩnh Khang đã phải cúi đầu nhận bản án tù chung thân.

Ngoài Chu Vĩnh Khang, một loạt quan chức khác cũng bị điều tra, truy tố và đưa ra xét xử về hành vi tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ… như Thượng tướng Quách Bá Hùng - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc; Lý Đông Sinh - cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc (đàn em thân tín của Chu Vĩnh Khang); Hề Hiểu Minh - Phó Chánh án TAND Tối cao Trung Quốc…

Tham nhũng khủng, án phạt lớn

Năm vừa qua, cộng đồng quốc tế cũng được chứng kiến nhiều vụ bê bối tham nhũng thuộc hàng "khủng" nhất từ trước tới nay bị điều tra, bị truy tố.

Với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras), dù đã bị điều tra từ những năm trước, nhưng trong năm 2015, vụ bê bối này vẫn khiến hơn 60 chính trị gia, nghị sĩ, cựu nghĩ sĩ bị điều tra và truy tố vì nhận hối lộ, hơn 20 tập đoàn, ngân hàng, tổ chức tín dụng bị điều tra liên quan, với số tiền liên quan ước tính hơn 4 tỷ USD.

Cả Algeria và Italya đồng loạt đưa ra xét xử vụ bê bối liên quan đến liên doanh dầu khí giữa Tập đoàn Saipem (chi nhánh của Tập đoàn Năng lượng Italya ENi tại Algeria) và Tập đoàn Dầu khí Algeria Sonatrach. Hàng chục quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp bị điều tra vì liên quan tới vụ bê bối này, với tổng số tiền lên tới 8 tỷ USD và số tiền phi pháp bị "rửa" bằng nhiều hình thức như mua tác phẩm nghệ thuật, mua bất động sản và mở tài khoản bí mật ở nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Canada, Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất, Bahamas, Hong Kong (Trung Quốc)…

Với các hành vi tham nhũng, hối lộ, ngoài án phạt tù từ hàng chục năm lên tới chung thân, tử hình, thì mức phạt tiền đối với những hành vi này cũng rất cao. Có thể điểm qua nhiều gương mặt "tiêu biểu" phải nộp phạt trong năm qua, như Tập đoàn Tài chính - Ngân hàng HSBC của Anh (phải nộp phạt 43 triệu USD cho cơ quan tư pháp Thụy Sĩ), Tập đoàn Alstom của Pháp, Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản, Tập đoàn Khai thác Vàng Kinross của Canada (đều bị cơ quan tư pháp Mỹ phạt hàng chục đến hàng trăm triệu USD)... Trong số đó, Tập đoàn Dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ đã phải chấp nhận nộp phạt khoảng 390 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Giám sát thị trường chứng khoán Mỹ (SEC) để được "yên thân".

Năm 2015, Tập đoàn Dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ đã phải nộp phạt số tiền 390 triệu USD cho cơ quan tư pháp Mỹ vì bị cáo buộc hối lộ trong hoạt động kinh doanh. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, mức nộp phạt này vẫn chưa phải là "khủng" nếu so với các năm trước. Cuối năm 2014, Tập đoàn Alstom của Pháp đã phải chấp nhận nộp phạt 772,29 triệu USD cho cơ quan tư pháp Mỹ. Xa hơn chút nữa, hồi cuối năm 2013, để không bị điều tra về hành vi hối lộ và gian lận trong kinh doanh, Tập đoàn Tài chính, ngân hàng JPMorgan của Mỹ đã phải trả cho Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ), Cơ quan giám sát các khoản cho vay bất động sản Mỹ (FHFA), chính quyền nhiều bang ở nước Mỹ một số tiền lên tới mức kỷ lục nhất từ trước đến nay là 4 tỷ USD.

Tham nhũng vẫn ngày đêm diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, ở mọi lĩnh vực. Năm 2015, ngành tư pháp thế giới đã mạnh tay phanh phui, truy tố nhiều vụ bê bối tham nhũng, hối lộ, rửa tiền và biển thủ thuộc vào hàng "khủng", nhiều đối tượng tham nhũng ở hàng cấp cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đã bị buộc phải nộp phạt với số tiền rất lớn vì hành vi tham nhũng, hối lộ. Thế nhưng, tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", khi mà nhiều cuộc điều tra bê bối tham nhũng lớn vẫn đang tiếp diễn, dự kiến còn có nhiều vụ bắt giữ quan chức hàng đầu ở nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực vì dính líu tới tham nhũng.

Tham nhũng vẫn tiếp tục "đụng" thì cuộc chiến chống lại tệ nạn này sẽ không ngừng nghỉ, sẽ còn có nhiều quan chức các cấp, lĩnh vực bị ngành tư pháp "đụng" tới.

Nhật Minh