271 vụ tham nhũng, 580 cá nhân bị truy tố

Một cuộc nghiên cứu khảo sát của ICW cho kết quả, năm 2019, có 580 cá nhân đã bị truy tố trong 271 vụ tham nhũng được điều tra bởi Ủy ban Bài trừ Tham nhũng (KPK), Cảnh sát và Văn phòng Tổng chưởng lý (AGO). Trong khi năm 2018, con số này là 1.087 cá nhân, 454 vụ tham nhũng.

Tuy nhiên, việc giảm số lượng các vụ việc tham nhũng không có nghĩa là Indonesia đã thành công trong việc đưa ra giải pháp khắc phục tận gốc tham nhũng, báo cáo của ICW cho biết.

“Indonesia vẫn chưa thành công trong xóa bỏ tham nhũng”, nhà nghiên cứu của ICW Wana Alamsyah cho biết.

Ông Wana chỉ ra rằng, Indonesia xếp thứ 97/126 quốc gia về Chỉ số Luật pháp, do Dự án Tư pháp Thế giới thực hiện khảo sát đo lường mức độ tham nhũng. Xét riêng 15 quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Indonesia xếp thứ 2 về nước có Chỉ số Luật pháp thấp nhất. Trong khi, các nước láng giềng Malaysia và Việt Nam lần lượt xếp thứ 7 và 13, còn Trung Quốc xếp thứ 8.

Còn theo xếp hạng Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Indonesia đạt 40 điểm (trên thang điểm 100, trong đó 0 điểm là tham nhũng cao nhất), xếp thứ 85/180 quốc gia được khảo sát. Điểm số này cho thấy một sự cải thiện nhẹ từ 38 điểm và thứ hạng 89 mà Indonesia đã đạt được trong năm 2018.

Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, người đã mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ những thành quả của mình trong cuộc chiến chống tham nhũng, đã nói rằng, thành công của Indonesia cũng nên được đo lường bằng số tiền tiềm năng của Nhà nước sẽ bị mất do tham nhũng, thay vì chỉ bằng thực tế đã bị đánh cắp. Đây cũng là thước đo mà ICW đã sử dụng.

Tham nhũng “khủng”

Trong số những vụ án tham nhũng nổi bật của Indonesia có thể nhắc tới vụ cấp giấy phép khai thác mỏ được cho là liên quan tới East Kotawaringin Regent Supian Hadi, vụ việc này riêng nó đã khiến Nhà nước mất tới 5,8 nghìn tỷ Rp (hơn 415 triệu USD).

Tháng 2/2019, KPK đã đưa Supian Hadi vào danh sách bị tình nghi vì những cáo buộc lạm dụng quyền hạn trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho 3 công ty là: PT Fajar Mentaya Abadi, PT Billy Indonesia và PT Aries Iron Mining hồi năm 2010 - 2012. Hiện, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

“Trong năm 2019, nhiều vụ án tham nhũng và nhiều cuộc điều tra tham nhũng đã được mở ra, xung quanh những hợp đồng béo bở đối với các dự án năng lượng. Bởi vậy, ngoài những tổn thất tài chính, Indonesia có thể còn phải chịu thêm những thiệt hại về môi trường”, ông Wana nói.

Bên cạnh đó, ông Wana lưu ý, các nhà điều tra và công tố viên cũng nên tính đến những cáo buộc rửa tiền đối với các nghi phạm tham nhũng để giúp thu hồi những tổn thất của Nhà nước. Thực tế, các cáo buộc này chỉ được đưa ra trong 3 vụ việc của năm 2019.

“Nếu như không xem xét các hành vi phạm tội rửa tiền có thể xảy ra, thì việc răn đe các tội phạm là không thành công”, ông Wana nói.

Hối lộ là tội phạm phổ biến nhất

ICW thấy rằng, hối lộ là tội phạm phổ biến nhất trong các cuộc điều tra vào năm ngoái, chiếm 51 trong tổng số 271 vụ tham nhũng. Tiếp theo đó là tham ô quỹ địa phương với 46 vụ, và các hành vi sai phạm khác trong giao thông, giáo dục, giao dịch đất đai.

Quan chức Chính phủ chiếm số lượng lớn nhất trong số các cá nhân được đưa vào danh sách nghi phạm tham nhũng năm 2019, với 213 người. Tiếp theo đó là nhân viên khu vực tư nhân 149 người; lãnh đạo địa phương (trưởng thôn) 45 người; và quan chức doanh nghiệp Nhà nước 26 người.

“Chính phủ đang tập trung nhiều hơn vào việc phòng ngừa. Có lẽ cách tiếp cận đó đã khiến kết quả ghi nhận số vụ việc tham nhũng ít hơn”, nhà hoạt động của ICW Tama Satrya Langkun nói.

Nghiên cứu của ICW chỉ ra, cảnh sát đã tiến hành điều tra 100 vụ việc trong năm 2019. Trong khi con số năm 2018 là 235 vụ việc. Trong khi, Văn phòng Tổng chưởng lý đã xử lý 109 vụ việc (năm 2018 là 162 vụ). Còn KPK đã trực tiếp xử lý các vụ tham nhũng lớn, điều tra 62 vụ, tăng 5 vụ so với năm 2018.

Hoài Phương