Thủ tướng Pakistan, Imran Khan, hôm qua đã cảnh báo rằng các hành động của Ấn Độ tại Kashmir có thể gây ra một cuộc chiến đẫm máu trong khu vực và kích động chiến tranh giữa hai đất nước có vũ khí hạt nhân này.

Trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, ông Khan đã mô tả tình hình ở Kashmir như một thách thức dành cho Liên Hợp Quốc và cảnh báo rằng một cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ gây ra “những hậu quả có sức ảnh hưởng vượt xa biên giới”.

Pakistan, đất nước cũng tuyên bố chủ quyền đối với Kashmir, đã phản ứng dữ dội với quyết định của Delhi. 

Vào hồi tháng 8, Delhi đã bãi bỏ tình trạng đặc biệt của Kashmir. Pakistan kêu gọi cộng đồng toàn cầu can thiệp, và nói rằng người dân tại Kashmir đang bị đối xử như không khác gì động vật.

Kashmir, nơi đã từng là một trong những khu vực bị quân sự hóa nặng nề nhất thế giới, hiện đang tràn ngập lực lượng quân đội hai bên và phải chịu lệnh giới nghiêm ngay trước khi mất đi tình trạng đặc biệt của mình. Hàng ngàn người đã bị bắt giữ như là một phần của cuộc đàn áp với mục đích giữ gìn an ninh.

Hầu hết các hạn chế về đi lại đã được gỡ bỏ, nhưng các dịch vụ di động và internet vẫn chưa được hoạt động trở lại.

Ông Khan cho biết các hành động của Ấn Độ sẽ khiến người dân Kashmir trở nên cực đoan và làm tăng khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố. “Rồi sẽ có sự phản kháng đối với những hành động của Ấn Độ, và rồi Pakistan sẽ bị đổ lỗi, và hai quốc gia sẽ phải đối đầu trực diện như hồi tháng 2 năm nay,” ông nói.

“Nếu một cuộc chiến tranh thông thường bắt đầu, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng giả sử một quốc gia nhỏ hơn bảy lần so với nước láng giềng phải đưa ra sự lựa chọn: Hoặc là đầu hàng hoặc chiến đấu đến chết để giành lấy tự do của mình. Chúng tôi sẽ chiến đấu. Và, khi một quốc gia có vũ khí hạt nhân chiến đấu đến cùng, thì hậu quả sẽ vượt xa tầm biên giới, gây ảnh hưởng đến toàn thế giới.”

Bài phát biểu của ông được đưa ra ngay sau một bài phát biểu tại New York của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, người không đề cập đến Kashmir nhưng nói rằng đất nước ông muốn hòa bình và hòa hợp. Thay vào đó, các ý kiến ​​của ông Modi tập trung vào các nỗ lực của Ấn Độ để bảo vệ môi trường và các vấn đề phát triển như chăm sóc sức khỏe.

Ông cũng kêu gọi sự đoàn kết trong việc giải quyết khủng bố, và nói thêm rằng Ấn Độ hết sức phẫn nộ và vô cùng nghiêm túc trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố để cảnh báo cộng đồng thế giới về những thế lực xấu xa đang tồn tại.

Hôm thứ Năm, nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ tại Nam Á đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan đưa ra những tuyên bố mang tính chất làm dịu tình hình hơn, nói rằng Washington hy vọng sẽ thấy Ấn Độ nhanh chóng có những hành động để dỡ bỏ các hạn chế đối với Kashmir và thả những tù nhân ở đó.

Hai nước đã đến gần với bờ vực chiến tranh vào tháng 2 sau khi một kẻ đánh bom tự sát "thổi bay" một đoàn xe gồm hơn 40 binh sĩ Ấn Độ ở Kashmir.

Ấn Độ và Pakistan đã dành ra hai trong số ba cuộc chiến của họ để dành chủ quyền trên khu vực Hy Mã Lạp Sơn này.

Cư dân Kashmir bày tỏ hy vọng rằng các bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc sẽ khiến thế giới chú ý đến sự phong tỏa chưa từng có trong khu vực.

“Chúng tôi thực sự hy vọng những nhà lãnh đạo này sẽ làm một gì đó để giúp chúng tôi thoát khỏi khỏi xung đột và đàn áp,” ông Nazir Ahmed, một giáo viên ở ngoại ô Srinagar nói. “Xung đột giống như một căn bệnh ung thư đánh vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Và người dân Kashmir đã phải sống trong căn bệnh ung thư này trong suốt nhiều thập kỷ nay.”

Khi hai nhà lãnh đạo phát biểu hôm thứ Sáu, các cuộc biểu tình tay đôi lớn ủng hộ và phản đối hành động của Ấn Độ tại Kashmir diễn ra gần trụ sở của Liên Hợp Quốc.

Ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ - đã đề nghị hòa giải nếu cả Pakistan và Ấn Độ đồng ý, nhưng Delhi luôn từ chối sự hòa giải đến từ bên ngoài. Ông Modi đã trình bày rằng hành động của mình ở Kashmir là điều cần thiết để chống lại chủ nghĩa ly khai và khủng bố, cái mà ông cáo buộc Pakistan đã xúi giục gây nên.

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)