Châu Âu đang phải đối mặt với một làn sóng khủng bố mới khi các phần tử cực đoan quay trở lại và các chiến binh thánh chiến được thả tự do, Tổng Thư ký Interpol đã cảnh báo.

Jürgen Stock, Giám đốc Interpol, cũng là một nhà tội phạm học và cán bộ chấp pháp tại Đức, cho biết: Chúng ta có thể sớm phải đối mặt lần thứ hai với làn sóng của các phần tử Hồi giáo liên kết hoặc cực đoan khác mà bạn có thể gọi là Isis 2.0.

Nhiều người trong số này bị nghi là những kẻ khủng bố hoặc những người có liên quan đến các nhóm khủng bố với tư cách là những người ủng hộ và họ đang phải đối mặt với án tù từ hai đến năm năm. Bởi vì họ không bị kết án thực hiện một cuộc tấn công khủng bố cụ thể mà chỉ hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố, bản án của họ có lẽ không quá nặng nề.

“Ở nhiều nơi trên thế giới, ở Châu Âu mà cả Châu Á, thế hệ những người ủng hộ này sẽ được thả ra trong vài năm tới, và họ có thể lại là một phần của một nhóm khủng bố hoặc những nhóm hoạt động hỗ trợ khủng bố.”

Tại Châu Âu, và đặc biệt là Pháp, đã xảy ra một loạt cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng liên quan đến Hồi giáo kể từ năm 2014, bao gồm các vụ tấn công khiến 130 người chết ở Paris vào tháng 11/2015.

Ông nói thêm: “Chúng tôi biết rằng quá trình cực đoan hóa diễn ra trong tù và vụ tấn công gần đây ở Strasbourg, Pháp là một ví dụ.”

Stock, trao đổi với Hiệp hội Báo chí Anh - Mỹ (AAPA) ở Paris, cho biết, Interpol có cơ sở dữ liệu khoảng 45.000 nghi phạm thánh chiến nước ngoài nhưng cho biết việc định vị những người này là một thách thức đối với các cơ quan cảnh sát và an ninh.

Những người được gọi là những “người trở về” vẫn còn là mối quan tâm của nhiều quốc gia thành viên. Nhiều người đã rời đi, ví dụ như từ Châu Âu hoặc Châu Á, vẫn chưa trở về. Một số trong số họ đã bị giết trên chiến trường nhưng một số trong số họ bị mất tích.

“Các cơ quan an ninh lo ngại khi họ quay trở lại bởi vì hầu hết trong số họ đã quen với chiến trường, họ được đào tạo và họ liên kết với nhau trên phạm vi toàn cầu. Hãy nhớ rằng, các binh sĩ từ hơn 100 quốc gia đã đến các khu vực xung đột. Đây là một cơ hội lớn để liên kết ở cấp độ quốc tế, và tất nhiên những mối liên hệ này vẫn tồn tại và chúng ta không nên quên điều đó.”

Stock cho biết Interpol đang phát triển một cơ sở dữ liệu quốc tế về thông tin sinh trắc học để cho phép 194 quốc gia thành viên của mình xác định nghi phạm khủng bố và tội phạm. “Nhất thiết phải đảm bảo thông tin này nằm trong tay đúng người vào đúng thời điểm và địa điểm. Không bao giờ có thể biết chắc được khi nào một mẩu thông tin cũng có thể trở nên có liên quan.”

Ông nói rằng cơ sở dữ liệu đặc biệt quan trọng trong việc truy tìm các binh sĩ Isis nước ngoài đang đến Châu Âu bằng một con đường gián tiếp từ Syria hoặc Iraq.

Sau khi IS [Isis] bị đánh bại về mặt địa lý, những cá nhân này sẽ cố gắng di chuyển đến các khu vực xung đột khác ở Đông Nam Á hoặc Châu Phi hoặc ở lại Châu Âu để thực hiện các cuộc tấn công. IS vẫn là mối đe dọa đối với chúng ta nhưng chủ yếu là nguy cơ tồn tại tổ chức ngầm và hoạt động ngầm.

Như chúng ta đã thấy trong các cuộc tấn công khủng bố lớn ở Châu Âu, nhiều phần tử khủng bố sẽ cố gắng sử dụng giấy tờ giả và đó là lúc mà Interpol cần can thiệp. Chúng ta biết trong nhiều trường hợp những kẻ khủng bố hoặc những người ủng hộ khủng bố đang sử dụng nhiều danh tính khác nhau. Những người này đang sử dụng danh tính giả, giấy tờ tùy thân giả và điều này đặt ra thách thức đối với các cơ quan thực thi pháp luật.

Chúng tôi đã chứng kiến hết lần này đến lần khác rằng có thể chỉ cần một mẩu thông tin để kết nối các dữ kiện với nhau và xác định các mối liên hệ trước đây ta chưa thấy. Thông tin được chia sẻ bởi Interpol về các binh sĩ nước ngoài đã giúp các vụ truy tố diễn ra thành công ở châu Âu.

Chúng tôi đang xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu chống lại hoạt động khủng bố và phong trào khủng bố. Chúng tôi đang giúp triệt phá hoạt động khủng bố cũng như các lĩnh vực khác như tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng. Bằng cách đảm bảo thông tin này có sẵn cho “tuyến đầu” của lực lượng gìn giữ an ninh.

Stock đã nói về sự mất tích của cựu Chủ tịch Interpol, ông Mạnh Hoàng Vĩ khi bay tới Trung Quốc vào tháng 9. 

Interpol đã nhận được đơn từ chức công ông Mạnh 10 ngày sau đó. Chính quyền Trung Quốc cho biết ông Mạnh đang bị điều tra vì tham nhũng.

Kim Jong Yang, đến từ Hàn Quốc, được bầu làm Chủ tịch Interpol tại một cuộc họp ở Dubai vào tháng trước. 

Stock cho biết vai trò của chủ tịch trong tổ chức này là mang tính chất danh dự và rằng ông Mạnh trước hết là quan chức của Trung Quốc. “Một vị quan chức Trung Quốc đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trên đất Trung Quốc. Đó là điều nằm ngoài quyền hạn của Interpol,” và ông cũng nói thêm rằng các quy định của Interpol đồng nghĩa với việc Interpol phải tránh xa chính trị nội bộ của từng quốc gia thành viên.

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)