Ông Kim Yong-chol, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Triều Tiên mang theo bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi ông Trump, CNN dẫn một nguồn tin cho biết. Ông Kim Yong-chol ra khỏi sân bay với Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun và ông Pak Chol, Chủ tịch Ủy ban hòa bình châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Kim Yong Chol dự kiến gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 18/1 (giờ Mỹ).Vẫn chưa rõ ông Kim Yong-chol có đến Nhà Trắng hay không, nhưng các nguồn tin nói rằng đó là kỳ vọng của Triều Tiên và phía Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng này.

Chuyến thăm được coi là dấu hiệu hai bên đang xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai. Nhưng trong bối cảnh đó, ông Trump lại vừa công bố báo cáo chiến lược phòng vệ tệ lửa mới tại Lầu Năm Góc, trong đó vẫn gọi Triều Tiên vẫn là “mối đe dọa bất thường” với Mỹ. Đánh giá này phù hợp với kết luận của các cơ quan tình báo và quân sự Mỹ trước đó nhưng ông Trump hiếm khi thừa nhận. “Dù có tồn tại một con đường mới cho hòa bình với Triều Tiên, nhưng họ (Triều Tiên) tiếp tục là mối đe dọa bất thường và Mỹ phải cảnh giác”, báo cáo của Lầu Năm Góc viết. 

Nhưng việc ông Kim Yong Chol đến Mỹ lần này được coi là dấu  hiệu hai bên đang nghiêm túc với ý định tổ chức thượng đỉnh lần hai. Trong chuyến thăm Mỹ lần trước, ông Kim Yong-chol đã giúp phá thế bế tắc giữa hai bên để từ đó đưa ông Trump và ông Kim đến Singapore gặp nhau.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp khác biệt giữa một bên là đòi hỏi Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân với một bên đòi hỏi dỡ bỏ cấm vận. Các nhà phân tích ở Mỹ cho rằng lần này Triều Tiên có thể muốn tìm kiếm một thông điệp rõ ràng hơn rằng chính quyền Trump sẵn sàng nhượng bộ gì. 

Ông Victor Cha, một cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng ông Trump có thể đang rất cần một chiến thắng trong tình cảnh hiện nay, đến mức có thể dễ chấp nhận nhượng bộ Triều Tiên.  “Tôi cho rằng thời điểm này có lợi cho Triều Tiên”, Reuters dẫn lời ông Cha nói về những áp lực mà ông Trump đang phải gánh, như chuyện chính phủ Mỹ đang đóng cửa một phần và cuộc điều tra về quan hệ của ông với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016. 

Trong lúc Mỹ và Triều Tiên đang xúc tiến cho cuộc gặp, hai nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis và David Schmerler tại viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Mỹ, hôm 17/1 đưa ra báo cáo xác định vị trí 6 nhà máy được cho là liên quan đến chương trình tên lửa của Triều Tiên. Hai nhà nghiên cứu này đã khớp các video và bức ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố với ảnh vệ tinh thương mại và chi tiết chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên đến các địa điểm nhà máy đã được biết. Báo cáo của họ đưa ra cả tọa độ bản đồ của 6 nhà máy, và 3 nhà máy trong số đó được xác định nằm gần địa điểm các vụ thử tên lửa quan trọng mà ông Kim đến giám sát, New York Times đưa tin.

Báo cáo này được cho là giúp vén màn che chương trình tên lửa của Triều Tiên. Giới quan chức tình báo Mỹ tin rằng một số nhà máy trong đó sản xuất xe bọc thép, máy bay hạng nhẹ, công cụ máy móc hoặc dệt may.

Trong những năm qua, các nhà phân tích bên ngoài vẫn theo dõi sát sao những chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên đến các nhà máy, trang trại và đơn vị quân đội để xác định ưu tiên chính sách của nước này. Nhưng việc theo dõi rất khó khăn, vì truyền thông nhà nước Triều Tiên thường không nói rõ địa điểm và mục đích hoạt động của những nơi đó. 

Theo Bình Giang/TPO